BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Phía Nam
Bình Định sẵn sàng đón sóng đầu tư
Thứ Tư, 28/10/2015 04:49
Bình Định sẵn sàng đón sóng đầu tư

Bình Định có lợi thế lớn về giao thông, là cửa ngõ vào Tây Nguyên và Nam Lào. Cùng với chính sách thông thoáng, địa phương này đang nổi lên là một điểm sáng thu hút đầu tư với các siêu dự án.

Sôi động các dự án đầu tư

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Dự án Victory) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của Dự án, phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Dự án Victory nằm trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn) do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư, có tổng vốn 22 tỷ USD, công suất 400.000 thùng dầu/ngày.

Theo ông Dũng, Dự án sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, dự kiến góp 4-5 tỷ USD vào GDP hàng năm của đất nước. Không những vậy, Dự án sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm ổn định và 35.000 việc làm trong quá trình xây dựng. Đồng thời, Dự án sẽ tạo ra 32.000 việc làm trong các ngành hỗ trợ và trực tiếp tạo thêm 110.000 việc làm cho toàn nền kinh tế.

Hiệu ứng của Dự án Victory đã bắt đầu lan tỏa, Tập đoàn Giáo dục quốc tế Kinder World (Singapore) đã đăng ký đầu tư vào Bình Định hai dự án xây dựng Trường Quốc tế Việt Nam - Singapore và Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam tại TP. Quy Nhơn.

Ông Ricky Tan Teck Yong, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Kinder World cũng thừa nhận rằng Kinder World đã đến với Bình Định “hơi trễ”, bởi lẽ, Bình Định hội đủ quá nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực vốn là thế mạnh của Kinder World. Tuy nhiên, vị Chủ tịch này cũng khẳng khái cho rằng, dù trễ nhưng Kinder World vẫn tự tin triển khai thành công các dự án này.

Nếu xét về điều kiện thu nhập của người dân hiện tại thì Kinder World không mạnh tay đăng ký liền dự án giáo dục quan trọng gồm Trường Quốc tế Việt Nam - Singapore (SVIS) rộng khoảng 5 ha tại Khu Đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh (TP. Quy Nhơn), dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 và Dự án Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam, rộng 41,2 ha tại Khu du lịch Tân Thanh thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn).

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, ông Ricky Tan Teck Yong bày tỏ tin tưởng về sự phát triển vượt bật của Bình Định trong thời gian tới, mà điểm tựa tốt nhất chính là hiệu ứng từ Dự án Lọc dầu Nhơn Hội, cũng như nhiều dự án khác như Khu du lịch Vinperal Quy Nhơn, Tổ hợp công nghiệp VSIP hoặc dự án của Amata.

“Bình Định hiện tại không khác gì Đà Nẵng cách đây 8 năm, khi ấy Đà Nẵng chỉ có hai Khu nghỉ dưỡng Furama và Sundy Beach. Nhưng khi ấy, Kinder World vẫn mạnh dạn đầu tư và đến hiện nay rất thành công khi ngành du lịch Đà Nẵng phát triển vượt bật. Trong khi Bình Định ngoài thế mạnh về du lịch còn tổng hợp các thế mạnh khác về lọc dầu, công nghiệp...” ông Ricky Tan Teck Yong đánh giá.

Niềm tin của ông Ricky Tan Teck Yong không phải không có cơ sở khi cũng trong thời điểm cuối năm 2014, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã ngỏ lời muốn đầu tư xây dựng một dự án quy mô lớn ở Bình Định, đón đầu việc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đầu tư dự án lọc hóa dầu 22 tỷ USD ở tỉnh này.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, Tập đoàn Amata đã có buổi làm việc với địa phương về khả năng mở rộng Khu kinh tế Nhơn Hội, đồng thời bày tỏ mối quan tâm tới vị trí và ranh giới của Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory… để nghiên cứu, xúc tiến đầu tư dự án vào Bình Định.

Buổi làm việc này được cho là bước đi tiếp theo của Tập đoàn Amata, sau khi ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn, bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ý định đầu tư một khu phức hợp ở Bình Định hồi cuối năm 2014. Ngay sau đó, ông Chủ tịch Tập đoàn Vikrom Kromadit cũng đã đến Bình Định để thị sát địa điểm.

Ngoài Amata, VSIP (Singapore) cũng đã đề xuất việc đầu tư một khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ ở Bình Định, giống như các khu VSIP mà công ty này đã đầu tư ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi. Thông tin mới nhất, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất chủ trương để VSIP tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư khả thi Khu phức hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ và đô thị tại các huyện Vân Canh, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn.

VSIP được xem như một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu tại Việt Nam với sự tham gia góp vốn đầu tư và chuyển giao kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và tiếp thị đầu tư của các tập đoàn có uy tín như Sembcorp Industries, Ascendas, United Overseas Land, KMP Group, Mitsubishi Corporation và Becamex (Việt Nam).

“Với thương hiệu hiện có của VSIP, tỉnh Bình Định tin rằng sẽ có một bước đột phá lớn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là tỉnh Bình Định sẽ tập trung mọi nguồn lực, xây dựng những cơ chế tốt nhất để dọn đường đón các dòng vốn đầu tư này”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Dọn đường đón sóng

Mặc dù Bình Định có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như vị trí địa lý thuận lợi, là tâm điểm của dải đất hình chữ S, có đầy đủ hệ thống hạ tầng thiết yếu như sân bay, cảng biển, quốc lộ, ga tàu hỏa... Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, Bình Định vẫn cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng thì mới có thể đáp ứng các dự án đầu tư lớn.

Chủ tịch Tập đoàn Kinder World mong muốn, tỉnh Bình Định sớm đầu tư nâng cấp cảng hàng không Sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế, đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, có như vậy du khách mới đến với Bình Định nhiều hơn, nhà đầu tư tiếp cận Bình Định dễ dàng hơn, mở toang cánh cửa cho Bình Định phát triển, phát huy hết tiềm năng hiện có.

Thực tế, Bình Định đã khởi công nâng cấp Sân bay Phù Cát hồi tháng 1/2015 vừa qua. Theo đó, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, Cảng hàng không Phù Cát được đầu tư nâng cấp theo hướng sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế với 3 hạng mục chính: mở rộng sân đỗ, xây dựng mới Nhà ga hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cấp đường băng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi các hạng mục của Dự án nâng cấp Sân bay Phù Cát được hoàn thiện sẽ thúc đẩy phát triển các dự án lớn về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh Bình Định. “Dự kiến ngay trong năm 2015 này, Bình Định sẽ làm các thủ tục chuyển Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế, đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên mà của cả nước”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, việc nâng cấp Sân bay Phù Cát đáp ứng yêu cầu của nhiều nhà đầu tư lớn. Tập đoàn Kider World, PTT, VSIP, Amata đều vui mừng trước thông tin này. Thậm chí PTT còn đề xuất được tham gia đầu tư nâng cấp sân bay này trở thành cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Trung trong tương lai. Bởi lẽ, với một dự án lớn như Dự án Victory, khi đi vào hoạt động, nhu cầu đi lại là rất lớn, chưa kể các dự án du lịch khác.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, trong thời gian tới, KKT Nhơn Hội sẽ là cái tên rất “nóng” trên bản đồ thu hút đầu tư Việt Nam. Vấn đề này đặt ra cho Bình Định là làm thế nào để kết nối KKT Nhơn Hội với các vành đai phát triển xung quanh bằng hệ thống hạ tầng tốt nhất, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành gần đây, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị nhiều vấn đề xung quanh việc hỗ trợ phát triển KKT Nhơn Hội, trong đó vấn đề quan trọng nhất vẫn là bố trí vốn xây dựng đường nối Sân bay Phù Cát với KKT Nhơn Hội, đường chuyên dụng phía Tây KKT, cầu Thị Nại 2...

Bên cạnh hạ tầng, cơ chế chính sách luôn là thước đo quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, quyết định đầu tư. Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng nhóm tư vấn Vùng duyên hải miền Trung, sức hút từ Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội rất lớn, các nhà đầu tư đến với Bình Định trong giai đoạn hiện nay đều khẳng định họ đầu tư để phục vụ cho sự phát triển của dự án lọc dầu nói riêng và KKT Nhơn Hội nói chung trong tương lai. Vậy họ cần phải được hưởng những chính sách tương đồng như các dự án đầu tư trong KKT Nhơn Hội được hưởng.

Ý kiến này được tỉnh Bình Định kiến nghị các bộ, ngành tại cuộc họp gần đây. Theo UBND tỉnh Bình Định, các dự án khu phức hợp của hai nhà đầu tư là VSIP và Amata để phát triển công nghiệp phụ trợ và nhà ở cho công nhân phục vụ dự án Victory cần được cho phép kết nối với KKT Nhơn Hội để được hưởng các chính sách ưu đãi như các dự án trong khu kinh tế này.

Sơn Thắng
Số lượt đọc: 2984
Thông báo