BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Phía Nam
TP.HCM tiếp tục mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản
Thứ Năm, 05/05/2016 03:52
TP.HCM tiếp tục mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản

“TP.HCM hiện có rất nhiều dự án mời gọi đầu tư nước ngoài, trong đó có một số dự án quan trọng trong lĩnh vực đường sắt đô thị, xử lý nước thải, thương mại và du lịch mong nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản”.

Đó là lời bộc bạch chân tình và rất cầu thị của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và du lịch Việt Nam - Nhật Bản tại TP.HCM năm 2016.

Đường sắt đô thị, xử lý nước thải khát vốn

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, trong lĩnh vực đường sắt đô thị, tuyến monorail số 2 có tổng chiều dài 27,2 km đang được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư ước tính là 715 triệu USD. Đặc biệt, tuyến motorail số 6 có tổng chiều dài 6,365 km đi ngầm, bao gồm 7 ga ngầm, hình thức đầu tư là ODA, PPP..., tổng mức đầu tư ước tính là 1,33 tỷ USD.

Ngoài ra, ở lĩnh vực xử lý nước thải, Dự án Hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Tây Sài Gòn thuộc lưu vực số 2 đã được Thành phố chọn làm dự án tiên phong để triển khai thực hiện theo hình thức PPP, mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu USD cho nhà máy xử lý nước thải và 270,5 triệu USD cho hệ thống thu gom.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện nay Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại TP.HCM. Vì thế, với những dự án nói trên, Thành phố mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Bởi, ngoài tiềm lực về tài chính, Nhật Bản có những kinh nghiệm vượt bậc trong lĩnh vực đường sắt đô thị cũng như xử lý nước thải.

Ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản cho biết, những  doanh nghiệp tham gia Hội nghị lần này là những nhà đầu tư lớn, có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực. Cho nên, ông Iijima Isao hy vọng, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực nói trên tới đây sẽ có những kết nối cụ thể để tìm hiểu sâu hơn về từng dự án trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Thương mại và du lịch: Cơ hội lớn đang bỏ ngỏ

Tại Hội nghị lần này, TP.HCM cũng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào lĩnh vực thương mại và du lịch. Hiện Dự án Khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành, tọa lạc ngay trung tâm đô thị chính, với điểm nhấn là chợ Bến Thành cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Được biết, dự án này sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi, thời gian lựa chọn nhà đầu tư là năm 2016, tổng mức đầu tư là 312,05 triệu USD.

Một dự án nữa TP.HCM kỳ vọng sẽ được các nhà đầu tư Nhật Bản để mắt đến lần này chính là Dự án Saigon Safari ở huyện Củ Chi. Dự án Saigon Safari với diện tích gần 460 ha, được hình thành cách đây cả chục năm, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng.

Ông Masuda Chikahiro, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhận định, từ cuối 2015, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tiếp cận thị trường 100 triệu dân ở Việt Nam. Họ coi Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là một “cứ điểm” để sản xuất và kinh doanh.

Tới đây, các ngân hàng Nhật Bản sẽ đi cùng các nhà đầu tư Nhật Bản để hỗ trợ trong vấn đề tài chính. Với sự hậu thuẫn này, JICA kỳ vọng, ngoài những lĩnh vực TP.HCM mời gọi đầu tư trong dịp này, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tìm thêm được nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, viễn thông, công nghệ thông tin, bất động sản, y tế, giáo dục...

Số lượt đọc: 2925
Thông báo