Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, già hóa dân số,… và cũng đứng trước nhiều vấn đề, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Chiến lược cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ “Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Việt Nam cần khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững trong thập niên tiếp theo. Đặc biệt, cần phát huy tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên để Việt Nam có thể nắm bắt được những cơ hội mới, tạo lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Để phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, với 5 Mạng lưới thành phần tại Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu với hơn 1.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản trong việc đoàn kết, tập hợp, thúc đẩy và đã có những bước phát triển vượt bậc, cụ thể thông qua Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Đồng thời đề nghị cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình đóng góp cho quê hương thông qua việc kết nối các đối tác, bạn bè quốc tế, đem lại những kết quả thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023.
Cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tích cực phối hợp với các Đại sứ quán, các tổ chức khác tại các quốc gia để tuyển chọn, quy tụ được những cá nhân xuất sắc tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai các hoạt động cụ thể, góp phần cùng Việt Nam tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 - Kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho rằng, cộng đồng trí thức, chuyên gia Việt Nam có trình độ cao ngày càng lớn với khoảng 1.000 người, trong đó nhiều người đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, y tế,…
Cùng với lực lượng các trí thức trẻ, doanh nhân trẻ khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá cao cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã luôn nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua với nhiều hoạt động được tổ chức đa dạng, hiệu quả từ chương trình cấp học bổng cho hơn 2.000 du học sinh gặp khó khăn đến các hoạt động hội thảo, trao đổi khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, ngày hội việc làm cho sinh viên.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến đầu năm 2021, có khoảng 448 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật trong đó ước tính có hơn một nửa là thành phần trí thức, bao gồm các học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực.
Với một cộng đồng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, Diễn đàn Tri thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ quy tụ trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với mục tiêu lâu dài là xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt tại Nhật ngày càng phát triển.
Diễn đàn diễn ra trong ngày 20-21/11, với phiên Tọa đàm toàn thể thảo luận xoanh quanh chủ đề “Việt Nam chuyển mình: Giá trị mới - cách thức mới” và 8 phiên tọa đàm đặc biệt về các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Chuyên đề Phụ nữ, Công nghệ, Doanh nghiệp, Năng lượng mới, E-Learning, Nông nghiệp./.