Trả lời:
1. Về việc điều chỉnh, gia hạn thời hạn hoạt động dự án
Theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 44 Luật Đầu tư năm 2020, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm, dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm.
Theo đó, trường hợp các dự án có thời hạn chưa ở mức tối đa nêu trên, khi hết thời hạn hoạt động dự án, nhà đầu tư có quyền chọn thủ tục: (1) điều chỉnh thời hạn để tới mức tối đa theo quy định của Luật Đầu tư; (2) gia hạn thời hạn (nếu không muốn điều chỉnh). Trường hợp các dự án đã có thời hạn tối đa thì chỉ được thực hiện thủ tục gia hạn nếu có nhu cầu.
2. Về thời điểm nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh/gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
- Khoản 3 Điều 55 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định:“Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, trong thời hạn tối thiểu 06 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
- Pháp luật không quy định thời gian tối thiểu nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh và gia hạn thời hạn hoạt động của dự án không sử dụng đất. Do đó, thời gian tối thiểu là thời gian thực hiện thủ tục đã được quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Trường hợp sau thời gian này, nhà đầu tư mới nộp (nhưng trước thời điểm thời hạn dự án chấm dứt) thì cơ quan đăng ký đầu tư cân nhắc xem xét khả năng xử lý để thực hiện.
3. Việc xử lý vi phạm: Điểm đ khoản 4 Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.