BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Tình hình đầu tư
Vốn FDI chảy mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Thứ Sáu, 27/05/2022 10:20
Vốn FDI chảy mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Với lợi thế và sự chuẩn bị "đi trước đón đầu" về hạ tầng khu công nghiệp, giao thông, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, sau dịch Covid-19 vùng kinh tế trọng điểm phía nam vẫn là sự chọn lựa hàng đầu cho nguồn FDI.

Nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư nước ngoài nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của Việt Nam và lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Qua đó, các doanh nghiệp, tập đoàn đã hiểu rõ, nắm bắt cơ hội đầu tư để triển khai dự án tại Việt Nam khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tăng về lượng, vượt về chất

Giữa tháng 5/2022, Tập đoàn Pandora (Ðan Mạch), thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) nhằm xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại Việt Nam. Theo đó, Pandora cam kết đầu tư 100 triệu USD triển khai xây dựng cơ sở chế tác trang sức khoảng đầu năm 2023 tại VSIP 3 ở Bình Dương, dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2024. Giám đốc Cung ứng Tập đoàn Jeerasage Puranasamriddhi cho biết: "Tập đoàn đã tìm hiểu nhiều nơi trên thế giới trước khi quyết định chọn Việt Nam và cụ thể là Bình Dương làm cơ sở sản xuất tiếp theo. Với Việt Nam, Pandora có thể tiếp cận một lượng lớn thợ thủ công có tay nghề cao, đó là ưu tiên cao để mở rộng khả năng sản xuất của Pandora nhằm đáp ứng nhu cầu". Theo UBND tỉnh Bình Dương, bốn tháng đầu năm 2022, vốn FDI đầu tư vào tỉnh đạt 2,35 tỷ USD, trong đó có 16 dự án mới, 9 dự án điều chỉnh tăng vốn bổ sung và 53 doanh nghiệp góp vốn, nâng nguồn FDI lũy kế tại Bình Dương lên hơn 4.000 dự án từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ USD.

Từ đầu năm 2022 đến ngày 20/4, tổng vốn FDI vào thành phố Hồ Chí Minh đạt 1,28 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2021. Hiện số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố là 10.568 dự án với vốn đăng ký là 53,62 tỷ USD. Theo PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), trong quý I năm 2022, Ban Quản lý SHTP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn viễn thông NTT (Nhật Bản) đầu tư dự án tại SHTP với tổng vốn 56 triệu USD. Ðây là dự án có hàm lượng công nghệ cao hàng đầu thế giới. Khi dự án được triển khai, sẽ hình thành trung tâm dữ liệu đạt chuẩn cao nhất tại Việt Nam, là tiền đề thu hút các nhà đầu tư lớn như Google, Amazon,... sử dụng các dịch vụ dữ liệu này, kéo theo đó là những giá trị gia tăng khác. Lũy kế đến nay, SHTP có 165 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 8,6 tỷ USD.

Trong bốn tháng năm 2022, tỉnh Long An đã thu hút 341 triệu USD từ 19 dự án đầu tư mới và 23 dự án điều chỉnh tăng vốn bổ sung thêm. Toàn tỉnh hiện có 1.141 dự án FDI với tổng vốn hơn 9,73 tỷ USD. Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Long An Nguyễn Thành Thanh cho biết: Dự án có vốn đầu tư lớn nhất vào Long An trong quý I năm 2022 là dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát Cocacola, tổng vốn hơn 136 triệu USD tại khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức. Ðây là dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong vòng một ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký đầu tư.

Bên cạnh việc thu hút hơn 210 triệu USD vốn FDI trong bốn tháng đầu năm, đầu tháng 5 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai đã trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam. Doanh nghiệp đến từ Nhật Bản này sẽ đầu tư trung tâm thương mại tại Ðồng Nai với tổng vốn 268 triệu USD. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam Tetsuyuki Nakagawa chia sẻ, khi hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp sẽ sớm triển khai và đưa vào vận hành dự án. Công ty cũng kết hợp phát triển vùng nguyên liệu, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm thế mạnh của Ðồng Nai vào trong hệ thống trung tâm thương mại của Aeon. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Với lợi thế vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt khi các dự án đường cao tốc và cảng hàng không quốc tế Long Thành triển khai trên địa bàn, tỉnh thu hút vốn FDI có chiều sâu hơn, đem lại giá trị cao, trong đó, trọng tâm là thu hút các dự án dịch vụ, có hàm lượng công nghệ cao, áp dụng công nghệ xanh thân thiện môi trường, sử dụng đất hiệu quả, ít lao động trực tiếp, nâng cao năng suất, sử dụng robot, đòi hỏi tính kết nối cao cả trong nước và quốc tế.

Sản xuất linh kiện bình ắc quy tại Công ty TNHH Leoch Battery tỉnh Bình Phước. (Ảnh NHẤT SƠN)

Khai thác dư địa vốn FDI bền vững

Là địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước trong bốn tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết: Xác định nguồn vốn FDI là rất quan trọng đối với quá trình phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị thông minh của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước; tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh, thành phố nước ngoài. Tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư. Còn theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố rất coi trọng cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp FDI từ sản xuất, kinh doanh, đến hoạt động xã hội, các góp ý cho sự phát triển của thành phố. Thành phố sẽ duy trì tổ chức gặp gỡ thường xuyên với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, lắng nghe để đáp ứng tốt hơn ý kiến doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, thành phố phát triển hơn.

Có kết quả thu hút FDI năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 rất khả quan, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, với nền tảng "4 tốt" gồm hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt, Bình Phước luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Tỉnh luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất-kinh doanh tại Bình Phước. Hiện, tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đối với danh mục 80 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Ðịnh hướng thu hút đầu tư của tỉnh là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics.

Tại Ðồng Nai, ngoài 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch thêm năm khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 7.100ha. Tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành sớm triển khai thủ tục xây dựng khu công nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ riêng Ðồng Nai mà còn cả khu vực Ðông Nam Bộ. Phát triển theo hướng bền vững, quan điểm của Ðồng Nai là không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tại các cuộc làm việc gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng thu hút đầu tư có chọn lọc, từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động: "Từ nay về sau, ngoài bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, các dự án đầu tư vào Ðồng Nai phải được hậu kiểm. Trường hợp những dự án đầu tư chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường, cần được đầu tư hệ thống xử lý, nếu không đáp ứng được sẽ bắt buộc bị chấm dứt dự án". 

Theo Báo Nhân dân
Số lượt đọc: 4317
Thông báo