BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Đổi mới nông nghiệp vì sự phát triển bền vững
Thứ Năm, 03/07/2014 10:31
Đổi mới nông nghiệp vì sự phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) – Nông nghiệp Việt Nam đóng góp tỷ lệ tới 20% GDP của Việt Nam và chiếm tới 1/4 doanh thu xuất khẩu quốc gia, tạo việc làm cho một nửa lao động trong thời gian qua.

Hôm nay, 1/7, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam đã cùng tổ chức hội thảo “Tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020- hợp tác và đổi mới vì sự phát triển bền vững”.



Đây là hội thảo đối thoại nhiều bên về tầm nhìn của Việt Nam nhằm đạt được sự tăng trưởng mạnh và bền vững của nông nghiệp.

Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), thì nông nghiệp Việt Nam đóng góp tỷ lệ tới 20% GDP của Việt Nam và chiếm tới 1/4 doanh thu xuất khẩu quốc gia, tạo việc làm cho một nửa lao động trong thời gian qua.

Trong tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm nguồn lực chính cho sự phát triển kinh tế, đồng thời coi phát triển nông nghiệp bền vững là mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, để đạt được sự tăng trưởng ổn định và giá trị cao, cần đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp Việt Nam.

Còn theo đại diện Bộ KHĐT, hiện nay ngân sách đầu tư cho nông nghiệp còn khiêm tốn, trong khi các nguồn hỗ trợ và thu hút đầu tư từ nước ngoài còn khó khăn, thì mô hình hợp tác công tư (PPP) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam nhờ tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ kỹ thuật và vốn cũng như kinh nghiệm quản lý từ các tập đoàn và công ty đa quốc gia.

Ông Jesus Madrazo, Phó chủ tịch Tập đoàn Monsanto cho rằng, đổi mới và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp đã chứng minh cho việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và điều này nên được ưu tiên hơn nữa.

Tại Philippines, sản lượng ngô đã tăng lên tới 60% so với thông thường nhờ người nông dân đã biết ứng dụng những hạt giống tốt hơn. Tại Ấn Độ, cũng bằng việc cải thiện hạt giống, sản lượng bông đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm.

Tại Việt Nam, rất cần tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận với những sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất, có tính cạnh tranh toàn cầu thông qua chính sách hỗ trợ và đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cần có chính sách hấp dẫn được doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực và dự án cụ thể. Trong PPP, lợi ích, vai trò là của tất cả các bên, trong đó lấy nông dân làm trung tâm. Có 2 nguyên tắc cơ bản trong PPP nông nghiệp là chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa nhà nước và tư nhân; quyền mặc cả và vị thế của người nông dân trong PPP.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Duy Đông nhấn mạnh, cần có sự hài hòa về lợi ích cũng như chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia trong PPP. Nếu đặt người nông dân là trung tâm thì cần làm rõ lợi ích cuối cùng mà họ được chia là như thế nào.

Chính phủ cũng phải có vai trò nhất định nhưng tiếp cận theo thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm, cụm liên kết làm chủ thể quyết định.

Tải bài viết

Số lượt đọc: 2823
Thông báo