BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Dự thảo Luật văn bản quy phạm pháp luật
Thứ Tư, 11/06/2014 02:21
Dự thảo Luật văn bản quy phạm pháp luật

(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật văn bản quy phạm pháp luật gồm 14 Chương 173 điều. Hiện dự thảo luật này đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Bộ Tư pháp cho biết, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần đầu được Quốc hội ban hành năm 1996, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2002 và đến ngày 3/6/2008, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung toàn diện, Quốc hội đã ban hành Luật mới (Luật năm 2008).

Mặt khác, để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, ngày 3/12/2004, Quốc hội đã ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (Luật năm 2004).

Qua 9 năm thực hiện Luật năm 2004 và 5 năm thực hiện Luật năm 2008, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã ban hành 289.779 văn bản, trong đó tổng số văn bản do trung ương ban hành là 5.206 và địa phương là 284.519 văn bản. Từ năm 1996 đến nay, đã ban hành tổng số 240 luật và 109 pháp lệnh. Các luật, pháp lệnh do Chính phủ và các cơ quan khác chủ trì soạn thảo và được Quốc hội ban hành trong giai đoạn này đã bước đầu đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, khó áp dụng. Tính ổn định, thống nhất chưa cao. Tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật tuy có cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn trong các lĩnh vực khác nhau. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật còn hạn chế. Còn có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức, cấp độ hiệu lực khác nhau đang làm tăng gánh nặng chi phí tuân thủ.

Thêm vào đó, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, chưa bảo đảm sự đồng bộ trong chính sách và tính thống nhất pháp lý; tính khả thi của một số văn bản chưa bảo đảm dẫn đến phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung.

Theo Bộ Tư pháp, tiến độ ban hành văn bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh mặc dù đã giảm so với những năm trước đây, song chưa chấm dứt. Trung bình có chưa đến 60% số văn bản được ban hành đúng hạn theo chương trình, kế hoạch.

Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành Luật văn bản quy phạm pháp luật mới làm cơ sở pháp lý cho công cuộc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện toàn diện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết.

Hai đầu mối quan trọng tổ chức lấy ý kiến dự thảo

Bộ Tư pháp đã dự thảo Luật văn bản quy phạm pháp luật gồm 14 Chương 173 điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo Luật nêu rõ những quy định về nội dung văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, ban hành luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…

Đặc biệt, về tham gia soạn thảo và thi hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ Tư pháp, nhằm bảo đảm việc lấy ý kiến được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả hơn, khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật quy định hai đầu mối quan trọng trong việc tổ chức lấy ý kiến là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đại diện và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân nói chung) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân). Đây là quy định mới so với Luật hiện hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Số lượt đọc: 2732
Thông báo