Ngày 23/6, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tân dụng lợi thế của UKVFTA".
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bất chấp đại dịch COVID-19. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, các tác động của đại dịch COVID -19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Theo thống kê của Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 5 năm 2022, Vương quốc Anh có tổng cộng 462 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD. Các nhà đầu tư Vương quốc Anh đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 120 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư.
Tận dụng hiệu quả UKVFTA để tăng cường xuất khẩu nông, thủy sản
Ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) khẳng định, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đang dần có dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh.
Ông Chris Milliken tin rằng hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau.
Các mặt hàng lợi thế của Việt Nam như tiêu, hải sản, hạt điều, cà phê… có thị phần tương đối cao tại Vương quốc Anh. Riêng hạt điều chiếm tới 90% thị phần, cà phê chiếm tới 1/3 thị phần tại Anh. Các mặt hàng nông, thủy sản cũng là những mặt hàng được ưu tiên trong UKVFTA
Ông Chris Milliken chia sẻ, người tiêu dùng Anh thường quan tâm tới sự minh bạch của công ty sản xuất, do đó, các DN sản xuất thực phẩm chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng cũng như hướng tới sự phát triển xanh, bền vững sẽ có nhiều lợi thế tại Vương quốc Anh.
Vì vậy, DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, xu hướng tiêu dùng và thủ tục xuất khẩu sang thị trường Anh. Đồng thời thay đổi mô hình sản xuất để đáp ứng thị trường xuất khẩu khó tính này.
Nhiều cơ hội hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh từ UKVFTA - Ảnh: VGP/Lê Anh
Cơ hội hợp tác xây dựng, cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng
Theo Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam Chris Milliken, Vương quốc Anh có lợi thế về dược phẩm, các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), tiết kiệm năng lượng.
Với việc quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại hai nước được đưa lên mức cao nhất trong thời gian gần đây với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao, các hợp đồng kinh tế hàng tỷ USD được ký kết và việc đầu tư kinh doanh lớn, bài bản của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam, các DN Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh. Đồng thời, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, cũng như xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, tận dụng lợi thế sẵn có của UKVFTA.
Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM, Giám đốc Thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam cũng chia sẻ, các DN Vương quốc Anh có chuyên môn cao và năng lực kỹ thuật đã được cả thế giới công nhận. DN hai nước có thể hợp tác không chỉ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà còn trong lĩnh vực giải pháp công nghệ cao hỗ trợ năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, công nghiệp chế tạo được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, hiện nay, nhiều DN FDI lớn đã tham gia hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Theo bà Bình, dây cáp điện và linh kiện phát thanh truyền hình là 2 mặt hàng mà các DN Việt Nam xuất khẩu vào Anh tăng liên tục trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với các nước khác. Do đó, các DN Anh có thể đẩy mạnh hợp tác đầu tư với DN Việt Nam ở 2 lĩnh vực này.
Cũng theo bà Bình, việc lắp ráp cụm linh kiện hoàn chỉnh của Việt Nam hiện còn rất yếu, do đó, rất trông đợi sự hợp tác đầu tư từ các DN FDI trong đó có các DN Anh. Theo đó, DN Anh đầu tư vào lắp ráp cụm linh kiện hoàn chỉnh tại Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển.
Ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc điều hành Bộ phận tư vấn thuế và hỗ trợ doanh nghiệp KPMG Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có sự ổn định kinh tế chính trị, đây là ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể ổn định, phát triển lâu dài. Kinh tế Việt Nam và Anh có sự tương hỗ nhau, bổ sung cho nhau. Các nhà đầu tư Anh ngày càng nhận ra cơ hội này, nhất là trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, giáo dục…