BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Quan hệ song phương
Thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ: Tương lai tươi sáng hơn
Thứ Sáu, 13/05/2022 10:06
Thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ: Tương lai tươi sáng hơn

Sự hợp tác về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Vốn là cựu thù, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995 và trở thành đối tác toàn diện của nhau vào năm 2013. Trong khung khổ hợp tác toàn diện được thiết lập tại chuyến thăm Hoa Kỳ trước đây của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, quan hệ thương mại và kinh tế đứng thứ hai trong danh sách 9 lĩnh vực hợp tác, chỉ sau quan hệ chính trị và ngoại giao.

Những thành tựu

Thương mại là lĩnh vực đã đạt được nhiều kỷ lục. Tăng trưởng thương mại song phương hai nước đã ở mức cực kỳ ấn tượng, đạt 111,56 tỷ USD vào năm 2021, tăng gấp gần 250 lần so với 451 triệu USD vào năm 1995. Kim ngạch thương mại chưa từng có này đã giúp Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Ngày nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là xu hướng đi lên của thương mại giữa hai nước. Trong những năm qua, khối lượng thương mại đã tăng đều đặn ở mức trên 20%/năm, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 đạt đến đỉnh điểm ở cả hai quốc gia.

Về đầu tư, dù đầu tư song phương kém ấn tượng, nhưng lại không kém phần tiềm năng. Lũy kế đến ngày 20/4/2022, vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đạt 10,47 tỷ USD. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đều đang hiện diện tại Việt Nam, như ExxonMobil, Boeing, Ford, Intel, Nike, Coca Cola, Procter & Gamble…

Và lần đầu tiên, một tập đoàn Việt Nam đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhà máy sản xuất xe điện do VinFast xây dựng ở Bắc Carolina sẽ “tạo ra hơn 7.000 việc làm và hàng trăm ngàn xe điện và pin”, như lời khen ngợi của Tổng thống Joe Biden vào ngày 29/3 vừa qua. Hơn nữa, thành công của Việt Nam trong việc xử lý Covid-19 đã chứng minh khả năng phục hồi của nền kinh tế và và sự hấp dẫn của thị trường này như là điểm đầu tư tốt đối với các doanh nghiệp.

Trên thực tế, hợp tác kinh tế thương mại đã trở thành động lực quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đang rất lạc quan về mối quan hệ song phương này. Ông Daniel Kritenbrink, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã từng tuyên bố rằng, “bầu trời là giới hạn” đối với quan hệ đối tác hai nước.

Động lực

Có hai lý do chính đáng cho sự lạc quan này.

Thứ nhất, các chính sách phù hợp được áp dụng. Việt Nam đã coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình, trong khi Việt Nam cũng đã được coi là quốc gia có tầm quan trọng hơn trong chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai bên đã nhất trí về các nguyên tắc của mối quan hệ song phương, trong đó có sự tôn trọng hệ thống chính trị-xã hội của nhau và mục đích cuối cùng của nỗ lực là vì lợi ích của nhân dân hai nước. Vào tháng 7/2015, lần đầu tiên trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ đã chào đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức. Bản thân chuyến thăm lịch sử này được coi là một minh chứng vững chắc cho sự tin cậy lẫn nhau và sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị của nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Một ví dụ khác là việc giải quyết các di sản chiến tranh. Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) trước khi bình thường hóa trước hết là trên cơ sở nhân đạo, với sự đồng cảm với nỗi đau của những gia đình người Mỹ đang tìm kiếm hài cốt người thân của họ. Trong khi số trường hợp người Mỹ mất tích trong chiến tranh đã giảm từ 2.500 trường hợp năm 1973 xuống còn 1.244 trường hợp cho đến nay, thì hơn 300.000 binh sĩ Việt Nam trong cuộc chiến đó vẫn đang mất tích.

Trong khi đó, các cam kết và nỗ lực của Hoa Kỳ đối với việc xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng và khu vực sân bay Biên Hòa từ năm 2012 cũng đã đạt hiệu quả và có ý nghĩa, giúp mang lại môi trường trong sạch cho người dân địa phương và các thế hệ tương lai. Những thành tựu này đã không thể thành hiện thực nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ và nỗ lực to lớn của nhiều người ở cả hai phía, từ các cựu chiến binh đến những người trực tiếp tham gia quá trình tẩy độc dioxin và phục hồi môi trường.

Thứ hai, hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ đều đang cần nhau. Thị trường Hoa Kỳ rộng lớn rất quan trọng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đồ nội thất và chăn ga gối đệm, hàng dệt kim, giày dép, đến các sản phẩm nông thủy sản. Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ bảy của Hoa Kỳ và cũng là thị trường quan trọng đối với các dịch vụ của Hoa Kỳ.

Về đầu tư, Việt Nam được coi là thị trường hấp dẫn bởi sự ổn định về chính trị và xã hội, có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định, với lực lượng lao động trên 51 triệu người, trong đó có nhiều người trẻ tuổi, cần cù, ham học hỏi. Nằm ở châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ, Việt Nam là một điểm đến thích hợp để tái định vị chuỗi cung ứng trong thế giới ngày nay. Cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp các bộ vi xử lý (chip) của Tập đoàn Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM - một trong 10 cơ sở trên toàn thế giới - là một trường hợp điển hình.

Các lĩnh vực tiềm năng

Trong khi thương mại song phương sẽ duy trì quỹ đạo đi lên tích cực, thì đầu tư là nền tảng cho nhiều kỷ lục hơn. Kết cấu hạ tầng, năng lượng và kinh tế số nằm trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại từ lâu đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cùng với cơ chế thị trường và nguồn nhân lực.

Mặc dù nhu cầu năng lượng ở Việt Nam tăng 10% hàng năm, nhưng vai trò của nền kinh tế số ở đây có thể còn mới mẻ đối với nhiều người. Chuyển đổi số quốc gia và phát triển nền kinh tế số nằm trong định hướng thứ hai trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu đầy tham vọng là kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP vào năm 2025.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chắc chắn là một dấu mốc quan trọng khác trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Chuyến thăm cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để tăng cường và làm sâu sắc hơn thương mại và đầu tư song phương, vì lợi ích của cả hai dân tộc, vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 5874
Thông báo