BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Miền Trung
Hà Tĩnh đưa logistics trở thành trụ cột phát triển kinh tế, khai phá tiềm năng thị trường Lào, Thái Lan
Thứ Tư, 03/11/2021 09:59
Hà Tĩnh đưa logistics trở thành trụ cột phát triển kinh tế, khai phá tiềm năng thị trường Lào, Thái Lan

Hà Tĩnh nằm trên trục giao thông huyết mạch, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan. Với nhiều ưu thế về vị trí địa lý, Hà Tĩnh hội tụ tiềm năng trở thành cửa ngõ giao thương kinh tế, đưa logistics thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh…

Chia sẻ tại hội thảo “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt - Lào” do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa tổ chức, ông Nguyễn Hồng  Lĩnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Hà Tĩnh nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa ngắn nhất sang Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với đường hàng hải quốc tế.

CỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, về hệ thống giao thông, Hà Tĩnh hiện có 8 tuyến quốc lộ kết nối giữa các địa bàn nội tỉnh, liên vùng và quốc tế. Thời gian tới, sẽ có hai tuyến cao tốc, gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 108km được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và tuyến cao tốc Vũng Áng từ Khu kinh tế Vũng Áng đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) kết nối với Lào và các nước trong khu vực, dự kiến đầu tư sau năm 2030.

“Hạ tầng kết nối của Hà Tĩnh còn thuận lợi hơn khi có thể nối với hai sân bay Đồng Hới và Vinh. Khoảng cách từ TP.Hà Tĩnh đến sân bay Vinh chỉ 60km và từ Khu kinh tế Vũng Áng đến sân bay Đồng Hới chỉ khoảng 70km”, ông Lĩnh chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế cả nước ảnh hưởng tổn thương nghiêm trọng, tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2021 tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Tĩnh đứng thứ 10 cả nước về thu hút FDI và xếp á quân khu vực miền Trung với 79 dự án với tổng vốn đầu tư 11,74 tỷ USD.

Hiện Hà Tĩnh có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp. Trong đó, đáng chú ý, Khu kinh tế Vũng Áng rộng hơn 22.700ha là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, với nhiều thế mạnh như trung tâm luyện gang thép lớn nhất Việt Nam, trung tâm năng lượng lớn và có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu để phát triển dịch vụ logistics.

Khu kinh tế Vũng Áng được coi là điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước, biến những vùng cát hoang vu “ngủ quên” bấy lâu trở thành vùng kinh tế động lực của Bắc Trung Bộ và cả nước.

Theo đó, Khu kinh tế Vũng Áng đóng góp 56% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, 95% số thu xuất nhập khẩu, 90% giá trị sản xuất công nghiệp và 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, là “đất lành” cho các nhà đầu tư, Khu kinh tế Vũng Áng hút 84 dự án trong nước với tổng mức vốn đăng ký 48,7 nghìn tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 36 tỷ USD.

Thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến -22m, hàng năm độ sa bồi ít nên tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT. Đồng thời, khu vực cảng Vũng Áng là điểm tập kết, cửa ngõ ngắn nhất ra biển Đông giúp kết nối hàng hóa quá cảnh của hai thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan với cụm cảng nước sâu Cái Mép, Lạch Huyện để thông thương với các quốc gia trên thế giới và ngược lại.

Bên cạnh đó, từ Vũng Áng đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thông thương sang cửa khẩu quốc tế Namphao (Lào) chỉ 190 km và đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) 170km. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. 

HÀNG CONTAINER MỚI CHIẾM 2%

Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng đánh giá, Lào là thị trường tiềm năng để Hà Tĩnh có thể cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu, do Lào là quốc gia không có biển. Doanh nghiệp Việt cũng có thể phối hợp với doanh nghiệp Lào xây dựng hình thành chuỗi sản xuất cung ứng như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, sản xuất và xuất khẩu mặt hàng cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may…

Bên cạnh đó, tại thị trường Lào, 4 tỉnh gần Hà Tĩnh đang thu hút đầu tư lớn từ “cường quốc” kinh tế Trung Quốc. Khu vực Đông Bắc Thái Lan cũng là một thị trường tiềm năng Hà Tĩnh có thể thu hút trong vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá. Với vị thế địa lý thuận lợi, cảng biển Hà Tĩnh sẽ hút mạnh nguồn hàng từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Lào, Thái Lan và ngược lại.

“Từ năm 2022, một số nhà máy đi vào hoạt động, các dự án lớn tiếp tục được đầu tư vào các khu kinh tế Vũng Áng tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Lào… sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tăng trưởng bình quân 35%/năm. Riêng sản lượng hàng container có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 35 - 70% sản lượng hàng thông qua", ông Tuấn kỳ vọng.

“Tân Cảng Sài Gòn đồng hành cùng chiến lược của tỉnh, biến Hà Tĩnh thành cửa ngõ giao thương của khu vực Bắc Trung Bộ. Với chính sách thu hút đầu tư hiệu quả như hiện nay và các dự án phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới dần hoàn thiện, tôi tin rằng có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sâu rộng vào thị trường Hà Tĩnh, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho địa phương”, ông Minh nhấn mạnh.

Mặc dù tiềm năng hàng hóa lớn, song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng quốc tế Lào - Việt, doanh nghiệp khai thác cảng Vũng Áng, giai đoạn 2017 - 2021, hàng thông qua cảng Vũng Áng chủ yếu là hàng tổng hợp, trong đó hàng rời là chính, chiếm đến 98%. Hàng container và hàng thiết bị chỉ chiếm 2%.

Trước đó, ngày 10/4 vừa qua, Công ty Cổ phần Vận Tải Biển Tân Cảng (Tan Cang Shipping) - thành viên thuộc hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đón chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Quốc Tế Lào-Việt.

Với tần suất ổn định, từ 2-4 chuyến/tháng, hiện mới chỉ có 13 chuyến container cập cảng Vũng Áng với tổng lượng hàng đạt 459 TEU. Dù sản lượng thấp nhưng đây là những thành quả bước đầu sau biên bản ghi nhớ ký kết đầu năm 2021 giữa Tân cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh.

LOGISTICS LÀ MỘT TRONG BỐN NGÀNH KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM

Để khai phá tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt với hàng quá cảnh. Còn Chính phủ Lào tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia đầu tư hạ tầng logistics của Lào, ưu tiên doanh nghiệp lớn, bài bản. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đầu tư các dự án đường cao tốc, đường sắt kết nối hai nước.

Với tỉnh Hà Tĩnh, cần có chính sách xuất khẩu gắn với phát triển logistics, hỗ trợ chi phí vận chuyển, bốc xếp nội địa, chi phí lưu kho cảng Vũng Áng. Về cơ sở kết nối hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng, tuyến cao tốc AH15, đẩy nhanh dự án cầu cảng, tăng cường xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Lào, Đông Bắc Thái Lan, đưa giải pháp vận tải biển qua Vũng Áng đến các doanh nghiệp tại các quốc gia này…

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển của tỉnh, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định dịch vụ logistics là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục ưu tiên hạ tầng giao thông kết nối cảng biển, cửa khẩu. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch, phối hợp sớm triển khai tuyến Bãi Vọt – Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn – Vũng Áng theo thống nhất của hai Chính phủ Việt Nam – Lào.

Theo vneconomy.vn
Số lượt đọc: 2078
Thông báo