Đến dự hội nghị có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương, lãnh đạo địa phương một số tỉnh miền Trung, cùng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập (1997-2017) và 42 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2017).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 20 năm tái lập, đến nay Quảng Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 11%; hạ tầng công nghiệp, giao thông, đô thị được đầu tư nâng cấp. Từ một tỉnh thuần nông, thuộc nhóm nghèo nhất nhì cả nước đã trở thành một tỉnh công nghiệp khá, nông nghiệp chỉ còn chiếm gần 12% trong cơ cấu kinh tế, tự chủ ngân sách và đóng góp 10% về Trung ương. Hiện Quảng Nam đang đứng trong top 10 của cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế mở ven biển đầu tiên của Việt Nam hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc với tỷ lệ lấp đầy hơn 90% - là một trong những khu công nghiệp thành công nhất miền Trung Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Nam đã có nền kinh tế có qui mô thuộc top 20 của cả nước, GDP tăng trưởng liên tục (năm 2016 tăng 15%), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách đứng top 10 cả nước. Quảng Nam đã khẳng định được mình trong mắt các nhà đầu tư, kinh doanh bởi môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn - đứng nhóm đầu của Việt Nam từ ứng xử, đối xử, quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, “Quảng Nam hiện mới chỉ có 1 “con sếu” lớn đó là Công ty CP Trường Hải – Thaco, cần có thêm chính sách để thu hút, kêu gọi thêm nhiều “con sếu” tiềm năng gia nhập “đàn sếu lớn” để đưa Quảng Nam phát triển bay cao, bay xa hơn nữa. Quảng Nam hiện cần những doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, có cấu trúc hoạt động tinh vi. Định hướng Quảng Nam sẽ phát triển những ngành chế biến sâu về nông lâm sản, dược liệu, du lịch chất lượng cao, công nghệ thông tin và nông nghiệp hữu cơ, cơ khí chính xác.”
Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Chính phủ cam kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 4%; Giữ môi trường hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước để cùng hợp tác, cùng phát triển (trên nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ); Có hệ thống pháp luật minh bạch để tạo môi trường kinh doanh tốt; Việt Nam, đặc biệt là Quảng Nam hoàn toàn đảm bảo an ninh, trật tự tuyệt đối cho nhà đầu tư, đảm bảo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi nhà đầu tư. Không phải Chính phủ chỉ khẳng định trong năm nay mà sẽ ở 20 năm sau, 200 năm sau cũng vẫn như vậy.”
Tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn trong 20 năm tới Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh giàu có, toàn diện của miền Trung và cả nước. Sẽ làm nên huyền thoại trung tâm giao thương lớn nhất châu Á như trước đây đã có. Cùng liên kết chiến lược với những địa phương có những lợi thế, sản phẩm tương đồng với Quảng Nam.
Để thực hiện được điều đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam quy hoạch, bố trí lại dân cư hợp lý để tăng hiệu quả sử dụng hạ tầng nhất là vùng biên giới và miền núi; Phải có chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, sử dụng các dòng sông một cách hiệu quả nhất; Tối ưu hóa hệ thống sông ngòi để bù đắp chi phí hạ tầng; Tối ưu hóa các lĩnh vực phát triển để không có mâu thuẫn phá hoại lẫn nhau. Phát triển công nghiệp không được làm ô nhiễm môi trường; không để lao động tha phương, cần tạo việc làm thông qua đầu tư, đào tạo nghề cho lao động nhất là lao động nông thôn. Quảng Nam cần thu hút người tài, người có nghề, người giàu vào sống làm việc tại Quảng Nam đồng thời đánh thức tiềm năng con người Quảng Nam
Thủ tướng mong muốn, tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện được 3 cùng doanh nghiệp: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và đảm bảo 3 bên: Nhà đầu tư – Nhà nước – Cộng đồng (người dân) cùng thắng.
Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành trao Quyết định Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thỏa thuận nghiên cứu đầu tư một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Quảng Nam cho 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 15,8 tỷ USD.
|
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 32 dự án |
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ và đạt kết quả, 6 Ngân hàng thương mại cũng đã ký kết và trao hợp đồng tài trợ tín dụng cho 10 dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng nguồn vốn tài trợ trên 26 ngàn tỷ đồng.
|
Các ngân hàng ký kết hợp đồng tín dụng cho 10 dự án trên địa bàn |
|
Tỉnh Quảng Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn Exxon Mobil phát triển dự án năng lượng điện mặt trời |
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, ngoài Hội nghị chính thức, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các cuộc gặp bên lề với các tổ chức, các doanh nghiệp để trao đổi về việc hợp tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Nam, trao đổi về thực hiện các dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh; tổ chức cho các nhà đầu tư đi khảo sát thực địa tại các địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Có thể nói, sau 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã làm được điều thần kỳ trong phát triển, tập trung vào 2 trụ cột là công nghiệp chế tạo và du lịch - dịch vụ. Khởi đầu là một tỉnh thuần nông, đầy khó khăn, đến nay, Quảng Nam đã có thể tự cân đối, điều tiết ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương, đứng thứ hai về mức thu ngân sách và đứng đầu về thu hút vốn đầu tư của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời luôn đứng top đầu các địa phương có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất. Tôi cho rằng, đây là kết quả rất đáng khích lệ, chứng tỏ Quảng Nam đã tận dụng và phát huy tốt những tiềm năng và lợi thế của mình. Quảng Nam đang đứng trước vận hội lớn để tiến nhanh lên phía trước, chuyển mình để trở thành địa phương kiểu mẫu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
|
Ông Lê Trí Thanh- PCT UBND tỉnh Quảng Nam: Quảng Nam vẫn kiên trì tập trung phát triển mạnh cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) phát triển rất tốt, nhưng để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh, thì phải giảm giá thành. Muốn vậy, thì phải thu hút thêm nhiều dự án công nghiệp phụ trợ phục vụ Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai - Trường Hải. Đó là ưu tiên số 1 mà Quảng Nam đã đề ra.
Ưu tiên thứ hai là phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may và đi theo đó là công nghiệp hỗ trợ dệt may.
Ưu tiên thứ ba là phát triển mạnh ngành dịch vụ, vui chơi giải trí khu vực ven biển, nhất là phía Đông Nam. Về nông nghiệp, Quảng Nam tập trung đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để cung cấp cho thị trường tại chỗ. Tỉnh cũng sẽ phát triển ngành công nghiệp dược liệu chiết suất từ sâm và các loại cây dược liệu quý hiếm khác…
|