Theo đó, tại buổi làm việc cuối tuần qua, ông Y.K.Won – Chủ tịch F&B Holdings đã thông tin tới lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng về việc Tập đoàn này được Chính phủ Hàn Quốc và Hiệp hội Tàu biển Hoa Kỳ tin tưởng trong việc đề nghị tìm kiếm vị trí và xây dựng cảng du lịch tại miền Trung Việt Nam.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng, lãnh đạo Tập đoàn F&B Holdings (Hàn Quốc) bày tỏ mong muốn sớm có kế hoạch liên kết và trở thành đối tác cùng xây dựng và đầu tư một số hạng mục tại khu vực cảng biển Đà Nẵng, trong đó chú trọng xây dựng cảng biển du lịch đón các tàu du lịch cỡ lớn vào Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
F&B Holdings cũng cho biết, trong kế hoạch xây dựng cảng biển du lịch mà tập đoàn này mong muốn liên kết với Công ty CP Cảng Đà Nẵng thực hiện bao gồm cả việc xây dựng và phát triển cảng các chuỗi bán hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ hải quan, cung cấp nhiên liệu, nguyên vật liệu phục vụ ăn uống, giải trí…
Sau khi nghe các đề xuất của Tập đoàn F&B Holdings, ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng đã đưa đoàn đi tham quan thực địa tại cảng Tiên Sa. Đây là cảng nước sâu có chiều dài bến 1,7 km gồm 7 cầu cảng, năng lực khai thác 12 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm; có khả năng đón tàu container tải trọng 50.000 DWT, tàu khách tới 170.000 GT (LOA 348m).
Theo ông Lê Quảng Đức, cảng Tiên Sa là hiện cảng tổng hợp, vừa làm hàng vừa đón tàu du lịch quốc tế. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, cảng Tiên Sa đón trung bình 100 tàu du lịch mỗi năm, trong đó cảng này từng đón tàu du lịch có chiều dài lớn nhất là 325m. Với tốc độ phục hồi rất khả quan của du lịch Đà Nẵng, hiện cảng Tiên Sa đã sẵn sàng để đón các tàu du lịch biển quốc tế trở lại trong thời gian tới.
Lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng mong muốn các cơ quan chức năng chấp thuận cho Công ty đầu tư vào cảng Liên Chiểu để dần dịch chuyển cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa về cảng Liên Chiểu; đồng thời sớm chuyển đổi để đưa cảng Tiên Sa trở thành cảng biển du lịch quy mô lớn của TP Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.
Trước đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch trở thành cảng biển loại đặc biệt.
Trong đó Liên Chiểu là khu bến chính (tổng diện tích quy hoạch 450ha) đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, gồm các bến container, bến tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí, các bến công vụ, sà lan; có khả năng tiếp nhận tàu 100.000DWT và lớn hơn. Khu bến Tiên Sa tiếp nhận tàu 50.000DWT và tàu khách quốc tế; sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.