Tuyến đường mới này dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, qua đường Nguyễn Thị Tư rồi đi qua rạch Bà Cua, Ông Nhiêu và kết thúc tại nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Lý giải về kiến nghị mở thêm tuyến đường này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM cho rằng, cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu đông bắc của TP.HCM là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM. Hiện nay, sản lượng hàng container của cảng Cát Lái chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu gần đó đang rất khó khăn, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, gây mất an toàn giao thông trong khu vực.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch chung TP. Thủ Đức, TP.HCM thấy cần thiết nghiên cứu bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây – đường Vành đai 3 TP.HCM.
“Đây là đường chuyên dụng, chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu. Khi thực hiện tuyến đường này cần thực hiện điều chỉnh một số đồ án quy hoạch và bổ sung một số nội dung đối với dự án đường Vành đai 3”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.
Theo phương án thiết kế khả thi, tuyến đường dài 6 km, rộng 60m với 12 làn, tốc độ thiết kế 60 km/h. Đường có điểm đầu từ Nguyễn Thị Định đi qua rạch Bà Cua, rạch Ông Nhiêu, điểm cuối tại nút giao vành đai 3 TP.HCM.
Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến Nguyễn Thị Tư đi trên bộ, đoạn Nguyễn Thị Tư đến đường Vành đai 3 sẽ đi trên cao. Tại cảng Phú Hữu sẽ bố trí hai nhánh cầu lên xuống; cuối tuyến kết nối với đường Vành đai 3 tại vị trí nút giao đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3.
Các phương tiện trên tuyến đường này được tổ chức đi từ khu vực cảng vào đường Vành đai 3 - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại, trên nguyên tắc dòng xe di chuyển liên tục.
Chính quyền TP.HCM dự tính, để làm tuyến đường này sẽ phải giải toả khoảng 59 ha đất và cần điều chỉnh một số quy hoạch hiện nay. Vì vậy, Thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với các phương án xây dựng tuyến đường, để có cơ sở triển khai các đầu việc tiếp theo.