Năm 2021, tiếp nối thành công trên, nhưng đậm nét hơn, Bắc Ninh xuất khẩu 44,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2020, vẫn xếp sau TP.HCM, song Bắc Ninh xuất siêu 6,5 tỷ USD, trong khi đầu tàu kinh tế nhập siêu 15,2 tỷ USD. Nguyên nhân của hiện tượng này chỉ có thể là Bắc Ninh đã thu hút mạnh và hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bắc Ninh nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất của Việt Nam, tuy theo số dự án chỉ đứng thứ 7, nhưng lại đứng thứ 5 về số vốn. Địa phương này có Khu công nghiệp Yên Phong, đứng đầu trong 10 khu công nghiệp của cả nước về vốn FDI đã thực hiện là 9,816 tỷ USD, dù diện tích đứng thứ 3.
Bắc Ninh nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất của Việt Nam, tuy theo số Dự án chỉ đứng thứ 7, nhưng lại đứng thứ 5 về số vốn.
Điều cốt lõi là Bắc Ninh đã thu hút được nhà đầu tư hàng đầu trên nhiều phương diện, đó là Samsung (Hàn Quốc). Năm 2008, Samsung đầu tư vào Việt Nam bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Khu công nghiệp Yên Phong. Chỉ sau hơn một thập kỷ, Samsung đã phát triển vượt bậc, tạo nên một hình mẫu điển hình về thành công của doanh nghiệp FDI.
Samsung Việt Nam hiện vận hành 6 nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội và Trung tâm giới thiệu sản phẩm - bán hàng. Theo kết quả công bố ngày 19/1/2022, doanh thu của Samsung Việt Nam năm 2021 đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020; xuất khẩu 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021.
Ngoài ra, Bắc Ninh còn thu hút các dự án FDI khác, với trên 80% các dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến tiên tiến. Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn góp phần thu hút và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Có thể nói, Bắc Ninh đã tận dụng được thiên thời, địa lợi và tạo nhân hòa. Cụ thể, tỉnh này nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giao thương thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là với FDI. Việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được quan tâm.
Cùng với đó, chủ trương “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” được đặt ra xuyên suốt và hiệu quả. Theo đó, “2 ít” là ít đất - ít dùng lao động; “3 cao” là suất vốn đầu tư dự án cao - công nghệ đại cao - hiệu quả cao; “4 sẵn sàng” là sẵn sàng mặt bằng - sẵn sàng nhân lực chất lượng cao - sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật và sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn của nhà FDI.
Ngay từ những ngày đầu thu hút FDI, Bắc Ninh đã lập Tổ công tác đảm trách việc này. Để nhân lên kết quả đó, Bắc Ninh đang vận dụng sáng tạo, linh hoạt Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, góp vào thành công thu hút FDI của Việt Nam trên thế và lực mới.