BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Vùng, Thông tin
Thủ tướng khảo sát, khởi công một số công trình, dự án lớn tại Hòa Bình, Sơn La
Thứ Năm, 02/06/2022 01:53
Thủ tướng khảo sát, khởi công một số công trình, dự án lớn tại Hòa Bình, Sơn La

Ngày 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, khảo sát, dự lễ khởi công một số công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La, thị sát hiện trường dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu.

Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút Khởi công dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.           

ĐƯA MỘC CHÂU THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ XANH

Phát biểu tại Lễ khởi công dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là dự án có ý nghĩa khai thác thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La, xây dựng thương hiệu sữa Mộc Châu. Việc triển khai hiệu quả các dự án này đóng góp thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Để dự án sớm hoàn thành, hoạt động hiệu quả, Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư cần tập trung nguồn lực để triển khai Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình cá nhân để xây dựng nối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đóng góp vào sự phát triển ngành chăn nuôi bò, công nghiệp chế biến sữa của tỉnh Sơn La.

Đề nghị nhà đầu tư chú trọng xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, bình đẳng cùng có lợi với người dân; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân.

"Xây dựng được mối quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi giữa nhà đầu tư - người nông dân là yếu tố bảo đảm dự án thành công bền vững và thực sự là nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Sơn La có truyền thống lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc của vùng Tây Bắc, nhiều di tích lịch sử cách mạng, truyền thống đoàn kết.

Đảng, nhà nước luôn trăn trở về những khó khăn của vùng Tây Bắc, trong đó có Sơn La. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Sơn La đã thay đổi tư duy, đang tự vươn lên, tập trung vào chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp...

"Thông qua dự án này và các dự án khác phải góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí metan, phát triển kinh tế số, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, đưa Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển của Sơn La và Tây Bắc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Sơn La đã thực hiện nghi thức khởi công tổ hợp "Thiên đường sữa Mộc Châu" và trao giấy chứng nhận chủ trương dự án nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinamilk, kiêm Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk, cho biết Tổ hợp "Thiên đường sữa Mộc Châu” gồm 2 hạng mục chính: Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu.

Trong đó, Trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái có diện tích quy hoạch là 150 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỉ đồng. Đây sẽ là trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với quy mô 4.000 con (trong đó có khoảng 45-50% vắt sữa) đáp ứng sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm cho nhà máy sản xuất; khu cảnh quan sinh thái đồng cỏ và các công trình tiện ích, thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu Mộc Châu Milk và du lịch Mộc Châu.

Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có diện tích 26 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày trong giai đoạn 2.

Dự án khi triển khai được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng, góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch cho huyện Mộc Châu.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho hay tỉnh Sơn La luôn quan tâm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất, thực hiện nghiêm các cam kết với nhà đầu tư.

"Thiên đường sữa Mộc Châu sẽ trở thành "Kỳ quan Tây Bắc", là một hình ảnh biểu tượng cho thương hiệu sữa Mộc Châu thông qua mô hình sản xuất nông nghiệp và chế biến sữa độc đáo, hấp dẫn của Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung”, ông Đông nói.

THỊ SÁT HIỆN TRƯỜNG DỰ ÁN CAO TỐC HÒA BÌNH - MỘC CHÂU

Trước đó, vào chiều 27/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát  thực tế hiện trường dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu. Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85km, trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49 km (đi qua TP. Hòa Bình, huyện Đà Bắc) và trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 36km (đi qua huyện Vân Hồ, huyện Mộc Châu).

Trong đó, đoạn Km0-Km19 có tổng mức đầu tư khoảng 4.120 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1.620 tỷ đồng.  Đoạn từ Km19-Km53, trên địa phận tỉnh Hòa Bình sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 9.777 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện đã bố trí nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 4.650 tỷ đồng. Nguồn kinh phí còn lại khoảng 5.127 tỷ đồng, trong số này vốn cho công tác giải phóng mặt bằng tỉnh sẽ bố trí và còn thiếu khoảng 4.700 tỷ đồng. 

Để dự án sớm được triển khai thuận lợi, tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định phân bổ chính thức các nguồn vốn ngân sách trung ương cho dự án; đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh đối với phần vốn còn thiếu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La phải tích cực phối hợp, đấu nối lại, phát động phong trào thi đua triển khai thực hiện dự án thì mới có thể nhanh và đảm bảo thông tuyến theo kế hoạch. Thủ tướng cũng lưu ý, việc xây dựng cầu Hòa Sơn trên tuyến cao tốc này phải bảo đảm cả yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, để cây cầu trở thành điểm nhấn đẹp trên sông Đà.

“Vùng Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông do điều kiện hạ tầng, nên đòi hỏi đầu tư lớn. Việc hoàn thành dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ giúp thay đổi tình trạng Quốc lộ 6 là đường độc đạo, kết hợp cùng các dự án khác cơ bản hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, để các địa phương trong vùng có đường đi thuận tiện hơn, có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo VnEconomy
Số lượt đọc: 2098
Thông báo