BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế phục hồi tích cực, cả năm phấn đấu tăng trưởng GDP 7%
Thứ Hai, 04/07/2022 05:16
Kinh tế phục hồi tích cực, cả năm phấn đấu tăng trưởng GDP 7%

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 7%

Báo cáo Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế đã phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra.

Cụ thể, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021.

Theo kịch bản được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP 6 tháng dự kiến ở mức 5,1-5,7%. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP của cùng kỳ năm ngoái là 5,74%, còn bình quân tăng trưởng GDP 6 tháng trong giai đoạn 2016-2019 là 6,38%. Như vậy, 6,42% là mức tăng trưởng khá cao, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo đó, đã có 2 kịch bản kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra.

Với kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).

Với kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế cho thấy, rất có thể, quý III, nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Quý II/2022, tốc độ tăng trưởng đã đạt 7,72%. Trong khi đó, quý III năm ngoái, kinh tế tăng trưởng âm hơn 6%, do vậy, khả năng đạt con số tăng trưởng cao trên nền thấp như vậy là khả thi.

Gần đây, khi họp bàn về tình hình hình tế Việt Nam, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh dự báo, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 7%. Ngân hàng UOB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng, với mức 7% trong năm nay.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Dù có những đánh giá tích cực về kinh tế - xã hội Việt Nam, song khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh những rủi ro, thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Một trong số đó, chính là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những yếu tố tác động dây chuyền làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ như: giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao.

Kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 7% trong năm 2022

Chưa kể, tỷ giá, lãi suất cũng đang có xu hướng tăng; việc điều chỉnh tiền lương; một số chính sách hỗ trợ hết thời hạn… cũng sẽ gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát của Việt Nam.

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số CPI tháng 06/2022 nếu so với cuối năm 2021 đã tăng 3,18%, gấp hơn 2 lần so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,41%).

Tính chung 6 tháng, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong khu vực nông, lâm, thủy sản (tăng 10,01%), xây dựng (tăng 9,32%); giá nhiều hàng hóa đầu vào nhập khẩu cũng tăng cao. Điều này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ gây nhiều khó khăn cho sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, triển khai các dự án đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ quý IV/2020 đến nay, nhiều loại nhiên liệu, vật liệu có biến động giá lớn, làm tăng giá thành xây lắp từ 18 đến 30%. Trong khi đó, các địa phương rất chậm trễ trong việc công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, nhiều địa phương công bố cách đây 6 tháng, khiến doanh nghiệp rất khó khăn, không thể điều chỉnh đơn giá hợp đồng, càng làm càng lỗ, dẫn đến dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn dự án.

“Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ tạo sức ép lớn lên điều hành vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong bối cảnh như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng do mặt bằng lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng tăng cao (gấp khoảng 1,6 lần cùng kỳ năm 2021), lãi suất quốc tế tăng nhanh, cũng làm tăng áp lực chi phí vốn vay của doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vốn FDI đăng ký cấp mới 6 tháng giảm 48,2% so với cùng kỳ do xu hướng chung toàn cầu, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy Việt Nam có thể chưa tranh thủ tốt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng, mở rộng đầu tư của khu vực FDI trong trung và dài hạn.

Các thách thức, khó khăn khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập, là hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

“Đã xuất hiện tình trạng thu hẹp đầu tư sản xuất do chi phí đầu vào, giá vật tư, phân bón tăng cao, từ đó làm giảm năng suất”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Thu hẹp sản xuất có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, vận tải tăng, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực và một số địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước.

Du lịch phục hồi nhanh nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng chỉ bằng 7,1% cùng kỳ năm 2019.

“Du lịch đang phải đối mặt với nhiều thách thức để phục hồi bền vững trong thời gian tới, như chi phí đầu vào tăng, lao động thiếu hụt, chất lượng hạ tầng chưa cao, chưa liên kết chặt chẽ với vận tải hàng không và các ngành hỗ trợ khác để nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, gia tăng khả năng cạnh tranh…”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Chưa kể, còn là các rủi ro, thách thức liên quan đến thị trường chứng khoán, thiếu hụt cục bộ lao động, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân gặp nhiều khó khăn…

Thách thức, rủi ro còn lớn, khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan, cần theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới và trong nước, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả doanh nghiệp và người dân sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 1239
Thông báo