BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư vào khu công nghiệp được “cởi trói”
Thứ Sáu, 01/07/2022 10:02
Đầu tư vào khu công nghiệp được “cởi trói”

Việc Chính phủ quyết định giảm thủ tục pháp lý thành lập khu công nghiệp khiến các nhà đầu tư cũng như các địa phương được “cởi trói”.

Dồn dập đầu tư và quy hoạch

SLP (SEA Logistic Partners) - đơn vị vận hành và phát triển hạ tầng công nghiệp và kho vận vừa khởi công Dự án nhà kho SLP Park Nam Sơn Hạp Lĩnh tại Bắc Ninh. Với tổng diện tích cho thuê hơn 90.000 m2, đây là dự án cơ sở hậu cần hiện đại thứ hai của SLP tại tỉnh này, dự kiến hoàn thành vào quý II/2023. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ cung ứng ra thị trường cho thuê nhà kho ở phân khúc hạng A với đầy đủ các tiêu chuẩn hiện đại.

SLP chọn Bắc Ninh làm “cứ điểm” bởi địa phương này đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư quốc tế có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường. Trước đó, SLP đã phát triển 6 dự án cơ sở hậu cần với tổng diện tích đất khoảng 860.000 m2, chủ yếu tập trung vào 2 thị trường lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.

“SLP sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu kho vận ngày càng đa dạng của khách hàng, nắm bắt lợi thế phát triển nhu cầu ngày càng cao của  lĩnh vực hậu cần Việt Nam”, ông Jenkin Chiang, thành viên đồng sáng lập SLP chia sẻ.

Hồi đầu năm 2022, cùng với đối tác chiến lược là GLP, SLP đã công bố thành lập Quỹ GLP Vietnam Development Partners I có quy mô 1,1 tỷ USD, được xem là một trong những quỹ phát triển logistics lớn nhất của Đông Nam Á.

Có thể nói, từ đầu năm tới nay, hàng loạt khu công nghiệp được đầu tư, xây dựng hạ tầng tại các địa phương. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thu hút đầu tư 4 dự án mới, vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng. 

Tại tỉnh Thái Nguyên, tính đến thời điểm này, đã có thêm 11 dự án khu công nghiệp được cấp phép đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD. Trong đó, 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 319,5 triệu USD và 7 dự án có vốn đầu trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.063,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở các tỉnh phía Nam, theo dữ liệu từ JLL, các khu công nghiệp ở Bình Dương và Long An tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Điển hình là Khu công nghiệp VSIP 3 dù mới khởi công, nhưng đã có hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu phát triển sản xuất, tương đương 175 ha đất công nghiệp.

Long An cũng đón nhận dự án đầu tư nhà máy trị giá hơn 136 triệu USD của Coca Cola ở Khu công nghiệp Phú An Thạnh. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt mức 85%. Giá thuê khu công nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh, đạt mức 120 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Cởi trói nhờ Nghị định

Việc Chính phủ quyết định giảm thủ tục pháp lý thành lập khu công nghiệp đã khiến các nhà đầu tư cũng như các địa phương được “cởi trói”. Vì vậy, sự dồn dập đầu tư và quy hoạch của các tỉnh vào lĩnh vực hậu cần, logistics là điều dễ hiểu.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP ban hành ngày 28/05/2022 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã gỡ bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà phát triển khu công nghiệp, đồng thời phân quyền quản lý nhà nước nhiều hơn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh trong triển khai hoạt động các khu công nghiệp. Theo chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, điều này có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp có thể có giấy phép đầu tư ngay khi được chấp thuận đầu tư.

Trong tháng 6/2022, Phó thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 9 khu công nghiệp mới, với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư đạt 29.411 tỷ đồng. Các dự án cũng được quy định thời gian xây dựng 3-4 năm kể từ khi được thành lập và thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày thành lập. Nguồn cung các khu công nghiệp mới này có thể đi vào hoạt động cuối năm 2023 đến năm 2025.

Mặc dù các thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp phép đầu tư khu công nghiệp đã được đơn giản hóa, nhưng nguồn cung các khu công nghiệp mới vẫn còn hạn chế, bởi tiến độ đền bù giải tỏa vẫn còn khá chậm, đàm phán với các cư dân rất khó khăn, có thể dẫn đến làm chậm tiến độ đi vào hoạt động của dự án. Trong khi đó, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và các tên tuổi có sẵn quỹ đất cho thuê như SZC, IDC, KBC, VGC, BCM có lợi thế lớn trong cuộc chơi này.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 803
Thông báo