Nhằm góp phần tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, chiều 17/6, tại TPHCM, Bộ KH&ĐT, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) - một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư và phát triển các dự án phát triển hạ tầng và đổi mới sáng tạo - phối hợp tổ chức Hội nghị "Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới".
Hội nghị có sự tham dự của cán bộ quản lý đến từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương. Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của KIND (Cơ quan trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông của Hàn Quốc có vai trò hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc phát triển các dự án hạ tầng và đô thị tại thị trường nước ngoài).
Đây cũng là sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022), đúng với định hướng chung giữa hai nước là nâng tầm khuôn khổ quan hệ lên "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng thống nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Vì vậy, Việt Nam đã sớm đề ra chủ trương, bổ sung hoàn thiện pháp luật, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm dành riêng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trong năm 2021, vượt xa con số 451 triệu USD của năm trước đó. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam công bố gần đây của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&ĐT và Do Ventures cho thấy 3 ngành nổi bật nhất bao gồm Giáo dục, Y tế, và Chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 5,2 lần, 10 lần, và 20 lần. Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài dành cho đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp nói riêng.
Trên cơ sở lấy đổi mới sáng tạo làm giá trị cốt lõi để thúc đẩy nền kinh tế, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị trực thuộc Bộ KH&ĐT nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&ĐT đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai một số hoạt động nhằm phát huy các lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tăng cường năng lực hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Với hệ thống pháp luật, chính sách về đổi mới sáng tạo đang dần hoàn thiện và với vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam khuyến khích đầu tư và hỗ trợ của nước ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Saigontel và Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) về nghiên cứu, khảo sát, đầu tư, phát triển và thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, giao thông và phát triển đô thị - Ảnh: VGP/Anh Thơ
Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ, trong suốt chặng đường gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hai nước từ lâu đã xem nhau là đối tác quan trọng hàng đầu trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, du lịch và hiện nay đang xây dựng mối quan hệ mật thiết trong cả các lĩnh vực mới như y tế, biến đổi khí hậu...
Hiện nay, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.288 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 79 tỷ USD (chiếm 18,5%). Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistic, xây dựng... Hàn Quốc hiện đã có đầu tư tại 59/63 tỉnh thành phố của Việt Nam. Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, với tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều năm đạt 78,1 tỷ USD.
Hội nghị hôm nay có sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hàn Quốc, đặc biệt là sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, thành phố nơi đang có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm, đầu tư gồm TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Nguyên. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam, Hàn Quốc tăng cường hợp tác và góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các ngành, nghề của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị ngày hôm nay sẽ cung cấp được những thông tin cơ bản giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc và cộng đồng doanh nghiệp tìm được những cơ hội kinh doanh mới, kết nối mới, nguồn lực mới để cùng nhau thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Saigontel và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trong các hoạt động thành lập và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo do khối tư nhân đầu tư - Ảnh: VGP/Anh Thơ
Tại Hội nghị đã diễn ra Chương trình thảo luận giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc và lãnh đạo các địa phương. Lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tự giới thiệu, quảng bá thu hút đầu tư, giới thiệu về các dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm; chủ trương, chiến lược và các chính sách thu hút đầu tư trong bối cảnh bình thường mới... của địa phương mình.
Ngoài ra, các địa phương với nhà đầu tư Hàn Quốc đã có trao đổi, thảo luận về cơ hội, tiềm năng và các chính sách thu hút đầu tư vào các địa phương.
Là một nhà phát triển KCN hàng đầu Việt Nam với những tiên phong trong áp dụng công nghệ thu hút nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn SAIGONTEL Đặng Thành Tâm thông tin các nhà đầu tư đánh giá cao chính sách của Việt Nam trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; đồng thời đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong tương lai. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến các ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao; đồng thời quan tâm đến việc thành lập các Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Chia sẻ về thông điệp của đơn vị tổ chức, ông Đặng Thành Tâm cho biết, tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; tiếp cận thông tin cụ thể về những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảng biển, du lịch, tài nguyên...., là điểm đầu tư hấp dẫn của Việt Nam trong phát triển hạ tầng trên tinh thần đổi mới sáng tạo.
Kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam; trong đó có Long An, ông Nguyễn Danh Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay: "Trong năm 2022, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư, nhất là các Tập đoàn Quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất cung ứng ổn định bền vững. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư".
Ông Lim HanKyu–Phó Chủ tịch KIND cho biết, thời gian tới, trên cơ sở kinh nghiệm và uy tín của mình, KIND sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc triển khai các dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực về hạ tầng giao thông, xây dựng đường bộ, đường sắt, hàng không, cầu cảng; hỗ trợ các dự án phát triển đô thị mới, bệnh viện, trường học, các dự án khai thác năng lượng; hạ tầng xử lý nước thải, dự án lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt, nhà máy đốt rác...
Tại tọa đàm, đại diện NIC, KIND và SAIGONTEL cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, tổ chức các Hội thảo giới thiệu về triển vọng, cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Tiếp tục làm đầu mối đưa các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia các dự án hợp tác công tư tại Việt Nam.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Saigontel và Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) về nghiên cứu, khảo sát, đầu tư, phát triển và thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, giao thông và phát triển đô thị; lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Saigontel và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trong các hoạt động thành lập và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo do khối tư nhân đầu tư; đồng thời, áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển không gian số cho các doanh nghiệp; lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Saigontel - NGS - BIDV và NIC trong xây dựng không gian kết nối doanh nghiệp số.