BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Kinh tế thế giới
Ông chủ Softbank và “canh bạc” viễn thông tại Mỹ
Thứ Năm, 27/03/2014 11:38

Nhà mạng hàng đầu Nhật Bản Softbank mới đây khiến dư luận cả trong và ngoài nước xôn xao sau khi quyết định thâu tóm Tập đoàn Sprint Nextel, hãng di động lớn thứ ba tại thị trường Mỹ đang trong tình cảnh khó khăn.

Với quyết định này, Softbank đã tự mạo hiểm với chính mình khi quyết định đương đầu với cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường viễn thông hàng đầu thế giới này.


Hẳn ai cũng còn nhớ, quyết định đầu tư 20 triệu USD của Son vào Tập đoàn Alibaba đã mang lại cho Softbank giá trị hiện tại tương đương 10 tỷ USD, trong khi cổ phần 1,2 triệu USD mà Son mua lại của Yahoo Japan giờ đã thành 7 tỷ USD.


Tuy có một bề dày thành tích với những quyết định đầy mạo hiểm giúp Softbank vươn lên vị trí hàng đầu tại thị trường Nhật Bản song quyết định mới đây của vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Softbank Masayoshi Son vẫn chưa đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư về khả năng thành công của hãng tại thị trường Mỹ.


Cổ phiếu của Softbank lập tức rớt giá xuống mức kỷ lục khiến hãng này mất 1,3 tỷ USD sau khi nhà mạng này thông báo đang tham gia đàm phán mua lại Sprint hôm 11/10 vừa qua. Các cổ đông lo ngại nhà mạng có khối tài sản 34 tỷ USD này sẽ ngập trong nợ nần hoặc giảm sút lợi tức một khi Softbank phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường để gánh vác hàng loạt các phi vụ thâu tóm mới được công bố hồi tháng trước.


Hideo Fujino, Giám đốc đầu tư thuộc Rheos Capital Works, công ty có trong tay 25 tỷ USD bao gồm cả cổ phần của Sofbank, cho rằng đây thực sự là một “canh bạc của Son.”


Ông nói: “Cân đối ngân sách của Softbank sẽ bị tổn hại và doanh thu của hãng có thể sẽ sụt giảm. Không rõ là ông Son có thể cải thiện được tình hình từ một doanh nghiệp không sản sinh lợi nhuận như Sprint hay không.”


Theo một thông cáo báo chí gửi Thị trường chứng khoán Tokyo, Softbank - nhà mạng lớn thứ ba Nhật Bản - sẽ chi hơn 20 tỷ USD mua lại 70% cổ phần ở Sprint Nextel. Ngay sau tin này, cổ phiếu ở Tokyo của Softbank giảm 5,3% xuống mức 2.268 yen trong ngày 15/10 vừa qua.


Ông Son đang theo đuổi một chiến lược mua lại theo đó giúp người dùng điện thoại thông minh (smartphone) chuyển sang mạng không dây tốc độ cao hơn mà Sprint và đối thủ cạnh tranh Nhật Bản eAccess hiện đang sở hữu để lướt web, download các file video và nhạc. Nhà mạng này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong viễn thông di động kể từ khi ra đời mạng di động thế hệ thứ ba (3G).


Tuy nhiên, Giám đốc một quỹ đầu tư trị giá 600 triệu USD thuộc Công ty Quản lý đầu tư Ichiyoshi ngày 15/10 Mitsushige Akino cho biết: “Với việc mua lại một công ty viễn thông ở Mỹ, Softbank sẽ không chỉ phải gánh chi phí mua lại mà còn đối mặt với những biến động của kinh tế thế giới. Sở dĩ cổ phiếu Softbank sụt giảm là vì nhà đầu tư lo ngại gánh nặng tài chính của vụ thâu tóm này”.


Tuy nhiên, vị CEO 55 tuổi này đang tìm kiếm lợi nhuận từ mức giá cao của công nghệ LTE (Long Term Evolution) trên biểu thuế suất hiện nay với một niềm tin rằng ngày càng nhiều thiết bị sẽ được kết nối không dây qua điện thoại thông minh smartphone. Hãng nghiên cứu ABI cho biết các nhà mạng có thể sẽ tăng 20% mức đầu tư vào LTE so với mạng 3G hiện nay.

 

Theo tính toán của HIS iSuppli, kinh phí đổ vào LTE tăng gấp 4 lần lên tới 73 triệu USD trong năm nay và dự kiến sẽ đạt 1,2 tỷ USD từ nay đến năm 2016. Việc có một số đại gia thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới như Apple, Samsung Electronics và HTC hỗ trợ công nghệ này sẽ giúp đảm bảo mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với LTE.


Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng vụ thâu tóm Sprint của Softbank có thể sẽ là sai lầm và quá sức đối với công ty này. Cổ phiếu giảm kỷ lục 17% xuống 2.395 yen trong ngày 12/10 vừa qua và Standard&Poor’s (S&P) đặt tỷ lệ nợ xấu và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp dài hạn BBB ở mức thấp.


Theo S&P, nếu cuộc chuyển nhượng này diễn ra, nó có thể tác động tiêu cực đến hồ sơ rủi ro tài chính của Softbank.


Theo Bloomberg, sau phen “chếnh choáng” tại thị trường chứng khoán hôm 12/10 vừa qua, tổng giá trị của Softbank rớt xuống mức 2.650 tỷ yen, giảm 86% so với giá trị đỉnh điểm 19.830 tỷ yen vào ngày 18/2/2000.


Cựu Giám đốc phụ trách sáp nhập và mua lại của Tập đoàn Goldman Sachs chi nhánh Nhật Bản, Nobumichi Hattori nói: “Tôi không hiểu tại sao ông ấy lại muốn mạo hiểm như vậy. Ông ấy có thể nghĩ rằng đó là điều hết sức tự nhiên song Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường hoàn toàn khác biệt.”


Ông Son thành lập công ty bán lẻ phần mềm năm 1981 - dưới dạng một “ngân hàng” phần mềm - trước khi chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực Internet.


Năm 1995, ông đầu tư 2 triệu USD vào Yahoo và hai hãng đã thành lập Công ty liên doanh tại Nhật Bản năm 1996. Softbank đầu tư 120 triệu yen nắm 60% cổ phần và công ty này hiện sở hữu 42% của Yahoo Japan có giá thị trường là 20,3 tỷ USD.


Năm 2000, Softbank đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba, một website thương mại điện tử. Ông Son gọi công ty có trụ sở tại Hong Kong này là “một trong những câu chuyện thành công nhất về Internet ở Trung Quốc.” Vào năm 2007, ông tuyên bố Softbank đã thu được “hàng chục tỷ yen” từ cổ phần ở Alibaba.


Hiện nay Softbank sở hữu khoảng 30% cổ phần tại Alibaba Group Holding, hiện là công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và Giám đốc điều hành, Jack Ma, cũng là nhân vật có chân trong ban giám đốc của Softbank.


Hồi tháng Năm vừa qua, Alibaba nhất trí mua lại khoảng 20% cổ phần của chính mình từ Yahoo với khoảng 7,1 tỷ USD trước khi số cổ phần này dự kiến tung ra thị trường. Thoả thuận này khiến Alibaba có giá thị trường tới 35 tỷ USD.


Tác giả cuốn tiểu sử các tỷ phú phát hành năm 2011, Shinichi Sano cho biết: “Son luôn đầy khát vọng. Ông ấy không hề thích một cuộc sống mà không có rủi ro và thách thức.”./.

 

Số lượt đọc: 2465
Thông báo