BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Kinh tế thế giới
Mỹ Latinh, tiềm năng và thách thức
Thứ Tư, 26/03/2014 02:32
Mỹ Latinh, tiềm năng và thách thức

Mỹ Latinh là khu vực rộng lớn với tổng diện tích trên 21 triệu km2 bao gồm 33 quốc gia với dân số gần 600 triệu người và GDP đạt trên 5.500 tỷ USD tương đương với hơn 10% tổng tổng sản lượng quốc nội thế giới, trong đó 3 đầu tàu kinh tế của khu vực là Bra-xin, Me-hi-cô và Ac-hen-ti-na nằm trong nhóm kinh tế G20. Do đặc thù về địa lý và lịch sử, Mỹ Latinh sở hữu những tiềm năng vô hình và hữu hình vô giá tương trợ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của mình. Khu vực này sở hữu nguồn tài nguyên phong phú với 24% trữ lượng dầu mỏ, 31% đồng, 25% rừng, 35% tiềm năng thủy điện và nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.

Khu vực Mỹ La tinh, đặc biệt các nước Bra-xin, Chile, Mê-hi-cô và Ac-hen-ti-na có thế mạnh trên hầu khắp các lĩnh vực kinh tế như lĩnh vực hàng không vũ trụ, thiết bị công nghiệp nặng, ô tô, linh kiện điện tử, xây dựng, khai khoáng, lọc hóa dầu, công nghệ sinh học, may mặc, nông lâm ngư nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng, truyền thông, du lịch và dịch vụ ... Bước vào thế kỷ 21, nhìn chung các nền kinh tế trong khu vực đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng, trì trệ để phát triển tương đối nhanh và ổn định với mức tăng tưởng bình quân hàng năm gần 4%, đưa mức thu nhập bình quân đầu người trong khu vực đạt gần 9.000 USD. Trong đó, các nước Chile, Ac-hen-ti-na, Uruguay, Panama và Mê-hi-cô đã vươn lên nhóm các nước có thu nhập cao và Bra-xin trở thành hội viên của nhóm các nước BRICS, 5 nước có tiềm năng trở thành đầu tàu kinh tế thế giới trong tương lai không xa. Hơn nữa, ngoài các đối tác hợp tác truyền thống Âu, Mỹ các nước đã và đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực phía Đông, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam – Mỹ Latinh, tiềm năng chưa được đánh thức

          Trong khoảng 15 năm trở lại đây, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã có những bước phát triển tương đối nhanh và ngày càng mở rộng. Mặc dù cách xa nhau về khoảng cách địa lý nhưng Việt Nam và Mỹ Latinh có nhiều điểm tương đồng, cơ cấu ngành nghề có thể bổ trợ tốt cho nhau để Mỹ Latinh trở thành một trục đối tác quan trọng trong quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã ký 5 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước Venezuela, Ac-hen-tina, Chile, Cuba và Uruguay cũng như 2 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Cuba và Venezuela. Thương mại song phương trong khoảng 10 năm trở lại đây tăng khoảng 30% năm đạt 4,9 tỷ USD, quan hệ hợp tác đầu tư giữa các nước Mỹ Latinh vào Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tính đến giữa quý 3 năm 2012, mới chỉ có 12/33 nước trong khu vực đầu tư vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng với 29 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 213 triệu USD tương đương với 1/1000 quy mô vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đều là các quốc gia nhỏ về quy mô nền kinh tế như Belize, Barbados, Panama, Costa Rica, Saint Vicent, Dominica chiếm 84% số dự án và 94% tổng vốn đăng ký đầu tư trong khi Bra-xin, Mê-hi-cô, Ac-hen-ti-na ... những nước có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông lâm ngư nghiệp chỉ có 3 dự án với số vốn đầu tư đăng ký rất khiêm tốn chưa đến 3 triệu USD.

Tương tự như trên, Việt Nam chỉ có 8 dự án đầu tư sang 4 nước thuộc khu vực Mỹ Latinh với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam gần 2,4 tỷ USD chiếm 1,2% số dự án và 21,6% số vốn đầu tư ra nước ngoài lũy kế. Trong đó riêng dự án liên doanh khai thác dầu khí tại Venezuela đã chiếm 76% số vốn đăng ký. Có thể nhận thấy đầu tư của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh tập trung vào lĩnh vực khai thác dầu khí, chưa đa dạng và không mang tính gắn kết bổ trợ cho thương mại, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý, sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Mỹ Latinh là khu vực rất đa dạng về phân khúc thị trường, nguồn nhân lực và các yếu tố đầu vào trong lĩnh vực công nghiệp phù hợp với trình độ của nhiều mặt hàng sản xuất của Việt Nam, hơn nữa với lợi thế về địa lý và các hiệp định về thương mại tự do, đầu tư như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)... khu vực này là địa điểm sản xuất tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, tận dụng lợi thế cạnh tranh làm bàn đạp thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới tại khu vực Bắc Mỹ trong tương lai.

 Các hoạt động tìm hiểu, xúc tiến và đầu tư chủ yếu dựa vào sự vận động, cố gắng đơn lẻ của các tổ chức, công ty trong khi thiếu những chiến lược, chính sách và tác động ở tầm khu vực, quốc gia đem lại lợi ích mang tính lan tỏa cho 2 phía. Xu thế hướng Đông trong định vị chính sách của các nước Mỹ Latinh cũng như những mục tiêu cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển quan hệ Việt Nam – Mỹ Latinh giai đoạn 2009 – 2015 (trong đó, cụ thể là việc tổ chức “Diễn đàn cấp Bộ trưởng Việt Nam – Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư” với sự tham dự của Đại diện cấp Chính phủ của các quốc gia quan trọng trong khu vực này vào tháng 7/2012 tại Hà Nội) đã tạo cơ hội để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được những thông tin kinh tế, tiềm năng của mỗi bên, từ đó đưa ra những chiến lược hợp tác nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng của mình. Qua đó, chuyển hóa thành những dự án kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư và thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp 2 bên trong thời gian tới.

Số lượt đọc: 21282
Thông báo