IMF đã thúc giục Tokyo có
các biện pháp cần thiết để cải thiện tình hình tài chính có mức nợ công lớn nhất
trong số các nước phát triển và buộc các ngân hàng trong nước nhận ra các rủi
ro gắn với việc giữ nhiều khoản nợ công.
Trong “Báo cáo về sự ổn định
tài chính toàn cầu,” IMF nói: “Những khó khăn hiện nay trong khu vực đồng eruo
đã cung cấp một câu chuyện cảnh giác cho Nhật Bản, xét đến mức nợ công cao của
nước này và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngân hàng và nợ công được dự đoán sẽ
sâu sắc hơn trong trung hạn.”
Nhật Bản được lợi từ các
nguồn vốn lớn đổ vào từ nước ngoài do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, với
việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm nơi ẩn náu trong các tài sản của Nhật Bản và
chi phí vay dành cho chính phủ giảm xuống đến mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, điều
này đã đẩy tỷ giá trao đổi đồng yen lên đến mức cao lịch sử, ảnh hưởng đến xuất
khẩu và sản xuất.
Những cơn gió ngược thổi tới
nền kinh tế Nhật Bản đã dẫn đến làm giảm nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh
nghiệp, buộc các ngân hàng phản ứng bằng cách tăng lượng trái phiếu chính phủ họ
nắm giữ. Với khả năng xu hướng này vẫn tiếp tục, các ngân hàng Nhật Bản được dự
đoán sẽ nâng phần trái phiếu chính phủ của họ lên 30% vào năm 2017 từ mức 24%
năm 2011.
Như cuộc khủng hoảng khu vực
đồng euro đã cho thấy nguy cơ ngày càng tăng gắn với nợ công có thể dẫn đến “sự
phụ thuộc lẫn nhau có vấn đề” giữa chính phủ và các ngân hàng trong nước và làm
cho nguồn vốn của các ngân hàng “thậm chí dễ bị tổn thương hơn” trước bất cứ sự
dao động nào của lãi suất trong tương lai.
IMF cho rằng “bài học chủ
yếu của mấy năm vừa qua là sự mất cân bằng cần được giải quyết tốt trước khi
các thị trường bắt đầu có các dấu hiệu lo ngại về tín dụng.” IMF cũng thúc giục
các nhà chức trách Nhật Bản có hành động mau lẹ chống lại những nguy cơ tiềm
tàng như vậy./.