BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 13/09/2024
Kinh tế thế giới
Nền tài chính toàn cầu trước nguy cơ bất ổn gia tăng
Thứ Năm, 11/10/2012 04:58

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Tokyo, IMF đã công bố một báo cáo nhan đề “Sự ổn định của nền tài chính toàn cầu”, trong đó cảnh báo rằng lòng tin của các nhà đầu tư vẫn rất mong manh trong khi nguy cơ bất ổn tiếp tục gia tăng.

Giám đốc kiêm Cố vấn tài chính của IMF, ông Jose Vinals cho rằng cần có những chính sách chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu.     

Theo IMF, bài học xương máu cho các thị trường tài chính lớn như Mỹ và Nhật Bản từ cuộc khủng hoảng tại Eurozone là một khi việc điều chỉnh chính sách diễn ra quá muộn, chỉ đến khi những căng thẳng trên thị trường bộc lộ rõ nét các nhà hoạch định chính sách mới ra tay thì hậu quả sẽ là một thị trường tài chính rối ren và gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

IMF kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương triển khai các biện pháp cần thiết như siết chặt chính sách nhằm đối phó với khủng hoảng và giành lại lòng tin của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.

Nhật Bản có thể lâm vào khủng hoảng nợ công

IMF cảnh báo Nhật Bản có thể lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công giống như Eurozone nếu không cải thiện được mức nợ công cao kỷ lục và nguy cơ ngày càng tăng của các ngân hàng trước trái phiếu chính phủ.

IMF thúc giục Tokyo có các biện pháp cần thiết để cải thiện tình hình tài chính có mức nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển và buộc các ngân hàng trong nước nhận ra các rủi ro gắn với việc giữ nhiều khoản nợ công.

Nhật Bản được lợi từ các nguồn vốn lớn đổ vào từ nước ngoài do cuộc khủng hoảng Eurozone, với việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm nơi ẩn náu trong các tài sản của Nhật Bản và chi phí vay dành cho chính phủ giảm xuống đến mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, điều này đã đẩy tỷ giá trao đổi đồng yen lên đến mức cao lịch sử, ảnh hưởng đến xuất khẩu và sản xuất.

Những cơn gió ngược thổi tới nền kinh tế Nhật Bản đã dẫn đến làm giảm nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, buộc các ngân hàng phản ứng bằng cách tăng lượng trái phiếu chính phủ họ nắm giữ. Với khả năng xu hướng này vẫn tiếp tục, các ngân hàng Nhật Bản được dự đoán sẽ nâng phần trái phiếu chính phủ của họ lên 30% vào năm 2017 từ mức 24% năm 2011.

IMF cho rằng “bài học chủ yếu của mấy năm vừa qua là sự mất cân bằng cần được giải quyết tốt trước khi các thị trường bắt đầu có  các dấu hiệu lo ngại về tín dụng”. IMF cũng thúc giục các nhà chức trách Nhật Bản có hành động mau lẹ chống lại những nguy cơ tiềm tàng như vậy.

Hạ dự báo tăng trưởng của châu Phi       

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Phi xuống mức 5% trong năm 2012 do tác động từ khủng hoảng tại Eurozone và giá lương thực tăng cao. Trước đó, IMF dự báo châu Phi sẽ đạt mức tăng trưởng từ khoảng 5,4% trong năm 2012.    

IMF cũng cho rằng cuộc khủng hoảng của Eurozone còn chưa tác động nhiều tới châu Phi, ngoại trừ Nam Phi là quốc gia có quan hệ thương mại và tài chính chặt chẽ với khu vực này. Tháng 7 năm nay, IMF đã hạ tăng trưởng của Nam Phi năm 2013 từ 3,3% xuống 3% trong khi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2012 là 2,6%.     

Theo đánh giá của IMF, nếu Eurozone tiếp tục khủng hoảng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng của khu vực châu Phi hạ Sahara. Giá cả hàng hóa giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nguyên liệu sản xuất của châu Phi.     

Để đối phó với khó khăn hiện nay, IMF cho rằng các quốc gia châu Phi cần ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để đối phó trong trường hợp rủi ro xảy ra.

Các ngân hàng châu Âu có thể phải bán tháo tài sản

IMF cảnh báo rằng nếu các nhà hoạch định chính sách châu Âu không đạt được cam kết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực, các ngân hàng châu Âu có thể sẽ phải bán tháo tới 4,5 nghìn tỷ USD, trị giá tài sản trong năm 2013, tăng 18% so với dự kiến hồi tháng 4 của tổ chức này.

IMF cho biết một thất bại trong cam kết thắt chặt ngân sách hoặc thiết lập một hệ thống giám sát có thể buộc 58 ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu, kể từ UniCredit SpA đến Deutsche Bank AG phải bán bớt tài sản.

Và điều đó sẽ làm tổn thương tín dụng và có thể làm giảm 0,4% tăng trưởng của Hy Lạp, Cyprus, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong năm tới. Theo IMF, việc khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư tư nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự ổn định của khu vực đồng euro.

Trong báo cáo mới phát hành, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu các quan chức châu Âu không có được biện pháp giải quyết các mối đe dọa đối với nền kinh tế của họ.

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" tiếp tục được nhiều chính phủ níu kéo với hy vọng mong manh có thể hỗ trợ cho việc vực lại khu vực đồng euro. Tuy nhiên, hiệu quả không những rất hạn chế mà còn tạo ra các luồng phản ứng mạnh mẽ khi tiêu chuẩn đời sống ngày một đi xuống. IMF cho biết trong năm qua, đã có hàng trăm tỷ euro tiền gửi được rút ra khỏi các ngân hàng của Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Theo IMF, những khó khăn hiện tại của khu vực đồng euro là cảnh báo sâu sắc đối với Mỹ và Nhật Bản khi cả hai nước này đang phải đối mặt với những rủi ro ổn định tài chính trong nước.

Cùng với việc thừa nhận các thị trường mới nổi có thể kiểm soát được tình hình và vượt qua cú sốc toàn cầu, IMF cho biết các quốc gia ở Trung và Đông Âu sẽ chịu những tổn thương không nhỏ từ cuộc khủng hoảng châu Âu, trong khi các quốc gia châu Á và Mỹ Latinh có vẻ vững vàng hơn.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 1139
Thông báo