BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Kinh tế thế giới
10 dự báo kinh tế thế giới 2013 của Goldman Sachs
Thứ Tư, 26/03/2014 02:28
10 dự báo kinh tế thế giới 2013 của Goldman Sachs

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs gần đây đã liên tiếp đưa ra các báo cáo đánh giá, nhận định về kinh tế thế giới trong năm 2013, trong đó đặc biệt nhấn mạnh rằng khó khăn sẽ sớm qua đi.

Kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn

          Theo báo cáo về 10 xu hướng kinh tế toàn cầu của hai chuyên gia Dominic Wilson và Kamakshya Trivedi, 2013 có khả năng là một năm nữa kinh tế Mỹ và toàn cầu tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, tin tốt là, bức tranh tăng trưởng có thể sẽ sáng sủa hơn trước đây một chút và các nhà đầu tư có thể thoải mái hơn về một số nguy cơ lớn mà họ đã phải lo lắng suy nghĩ trong vài năm qua.

          Dưới đây là 10 dự báo lớn cho năm 2013, được tạp chí Tài chính Kinh tế Trung Quốc đăng tải hôm 4/12

          1. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, con đường phía trước sẽ thoáng đãng hơn

           Xét từ góc độ thị trường mà nói, thách thức lớn nhất chính là, rủi ro tăng trưởng kinh tế sẽ tập trung vào đầu năm 2013. Quý 1 có khả năng sẽ xuất hiện hiện tượng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ hơn, khoảng cách về nhịp độ tăng trưởng giữa các khu vực trên thế giới bị mở rộng, đặc biệt là ở các nước phát triển.

            Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ tình trạng chênh lệch sản lượng và nguồn cung năng lượng dồi dào hơn.

            2. Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ tung ra nhiều hơn các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ

            Môi trường chính sách lãi suất siêu thấp sẽ tiếp tục được duy trì ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo dự báo này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chuyển hướng quyết định chính sách sang hướng lấy vĩ mô làm nền tảng, chứ không phải theo diễn biến hàng ngày như trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bí mật tiến hành các chương trình thu mua tài sản tư nhân.

             Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng khả năng sẽ có nhiều xáo trộn lớn trong ngắn hạn. Đây cũng là vấn đề đang gây tranh luận nhiều nhất

            3. Cơ sở 'tìm kiếm lợi suất' sẽ ngày càng trở nên khó nắm bắt

           Năm 2013, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ sẽ tăng lên, nhưng không có ảnh hưởng lớn tới mức gây ra một làn sóng nhà đầu tư đổ tiền vào lĩnh vực này để tìm kiếm lợi ích.

            Đến năm 2014, do tăng trưởng cao hơn và tác dụng của các chương trình nới lỏng định lượng không ngừng giảm đi, thị trường trái phiếu sẽ gặp rủi ro. Vay tín dụng được nới lỏng sẽ khiến các công ty sử dụng đòn bẩy trở lại, vì thế rủi ro này sẽ phình to hơn. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng doanh nghiệp sẽ vẫn còn khả quan tại hầu hết các thị trường.

            4. Thị trường bất động sản của Mỹ sẽ dần ổn định trở lại, khu vực tư nhân sẽ từng bước hồi phục

            Sự cải thiện trên thị trường nhà đất Mỹ sẽ tiến thêm được một bước trong năm 2013. Các hoạt động trên thị trường này sẽ tiếp tục được mở rộng, trong bối cảnh lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục và các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng.

            Trên cơ sở đó, có hai loại tài sản mà nhà đầu tư cần lưu tâm. Thứ nhất là các chứng khoán được chọn từ chỉ số tài chính đo lường giá trị chung của các khoản thế chấp dưới chuẩn (ABX Index). Thứ hai là các ngân hàng của Mỹ - đối tượng được hưởng lợi khi các hoạt động cung cấp tín dụng nhà ở bình thường trở lại nếu giá nhà tiếp tục tăng cao.

           5. Khu vực đồng Euro sẽ không còn gây nhiều rủi ro cho kinh tế toàn cầu, nhưng đây vẫn là một bước cản

           Tăng trưởng kinh tế Khu vực châu Âu vẫn còn yếu kém trong năm 2013, trong đó trọng tâm cần giải quyết vẫn là khủng hoảng nợ công. Rủi ro kinh tế Tây Ban Nha sẽ gia tăng trong đầu năm 2013. Sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ làm giảm áp lực cho kinh tế Tây Ban Nha.

            Sức ép đối với kinh tế Italy có thể giảm bớt nhưng cuộc tuyển cử sẽ khiến tình hình chính trị tại đây trở nên thiếu ổn định. Kinh tế của Pháp về cơ bản sẽ suy yếu, nhưng môi trường tiền tệ nới lỏng có thể sẽ mang lại tác dụng bù đắp phần nào.

            Dù rủi ro tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn cao hơn so với bất kỳ khu vực nào khác, nhưng các tài sản của khu vực này vẫn có thể chứng kiến đà tăng mạnh nhờ những tiến triển trong chính sách và sự vắng bóng của các mối căng thẳng mới.

            6. Các nền kinh tế trung tâm và ngoại vi Khu vực đồng tiền chung sẽ tiếp tục bị phân hóa

            Đức sẽ xuất hiện hiện tượng tăng trưởng 'quá nóng'. Sự chênh lệch về tăng trưởng kinh tế giữa Đức và các nước khác như Tây Ban Nha sẽ trở nên rõ ràng hơn. Lĩnh vực giao dịch các các quốc gia ngoại vi Khu vực đồng tiền chung và lĩnh vực phi giao dịch của các quốc gia trung tâm của khối này sẽ trở nên rõ nét hơn.

            7. Tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi sẽ khiến căng thẳng công suất bị lặp lại

           Năm 2013, tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi sẽ tăng tốc nhưng dư địa tăng trưởng không lớn bằng các thị trường phát triển. Lạm phát sẽ gia tăng rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm 2013 và trong 2014. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị kìm lại, dần theo hướng ổn định.

          8. Tình trạng phân hóa giữa các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục diễn ra

          Các nền kinh tế khác nhau sẽ có những biện pháp ứng phó không giống nhau đối với sức ép lạm phát. Một số nền kinh tế sẽ xuất hiện tình trạng mất cân bằng tài khoản vãng lai. Dù vậy, ít nhất các thị trường vẫn có một số điểm tương đồng. Chẳng hạn như các thị trường không cho rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ nâng lãi suất.

           9. Những căng thẳng trên thị trường hàng hóa sẽ được xoa dịu trong trung hạn

            Thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ xuất hiện sự thu hẹp mang tính chu kỳ, nhưng về cơ bản là ổn định hơn. Dự báo tính kết cấu của thị trường dầu mỏ sẽ theo hướng ổn định, giá cả bình ổn hơn, nhưng xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục. Lượng cung ứng dầu thô của Mỹ sẽ làm giảm bớt sức ép cho toàn cầu.

            Điều quan trọng là thị trường dầu sẽ ổn định hơn với khả năng đạt được nguồn cung dồi dào hơn tại mức giá từ 80 - 90 USD/thùng ngày càng tăng cao. Khi tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng toàn cầu được xoa dịu cũng là lúc một trong những trở ngại lớn đến đà phục hồi kinh tế được đẩy lùi.

            10. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ theo hướng ổn định (trên 8%), nhưng không mạnh như trước

           Thị trường địa ốc của Trung Quốc sẽ liên tiếp xuất hiện đỉnh có tính chu kỳ, nhu cầu xây dựng giảm xuống sẽ gây sức ép cho thị trường quặng sắt và than đá. Trong khi đó, việc hoàn thành các tòa nhà mới trong vòng 6-9 tháng tới có thể thúc đẩy giá đồng nhưng kim loại này có thể đạt đỉnh sau đó.

            Kinh tế Mỹ hết thời èo uột

            Trong một báo cáo khác cũng của Goldman Sachs, chuyên gia kinh tế Jan Hatzius đã cho rằng, 2013 sẽ là năm cuối cùng nền kinh tế Mỹ ở trong tình trạng èo uột như hiện nay. Báo cáo mang tên 'Kinh tế Mỹ giai đoạn 2013 – 2016: Vượt qua cam go' đã đưa ra cái nhìn lạc quan về nền kinh tế đầu tàu thế giới.

             Jan Hatzius dự báo sau năm 2013, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ trên 3%. Đây là con số không có gì đáng ngạc nhiên nhưng là tỷ lệ tốt hơn nhiều so với tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ thời kỳ 2009. Báo cáo của Hatzius được đưa ra dựa trên mô hình cân bằng tài chính. Mô hình này cho rằng thặng dư của khu vực tư nhân tăng lên sẽ bù đắp được thâm hụt của khu vực công.

             Theo phân tích của chuyên gia này, sau năm 2013, kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là kể từ 6 tháng cuối năm 2013 khi thị trường nhà đất phục hồi mạnh mẽ hơn, các công ty bắt đầu giải ngân lượng vốn lớn hiện đang bế tắc vì nhiều lo ngại và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân sẽ giảm xuống.

Số lượt đọc: 1235
Thông báo