BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Kinh tế thế giới
Thái Lan trong cuộc đua thu hút FDI
Thứ Tư, 26/03/2014 02:25
Thái Lan trong cuộc đua thu hút FDI

“Thái Lan cần phải ý thức tốt hơn trong cuộc đua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các nước láng giềng và không được ‘tự mãn’ trong bối cảnh các nước ‘đối thủ’ trong khu vực đang nhắm tới FDI của Trung Quốc vào Asean’, ông Banthoon Lamsam - Chủ tịch kiêm TGĐ ngân hàng Kasikornbank (Kbank), một trong những ngân hàng lớn nhất tại Thái Lan nói.

Ông này cũng cho rằng Thái Lam phải thích nghi và cải tổ nhanh chóng để thu hút dòng vốn FDI của Trung Quốc đang chảy ồ ạt vào các nước Asean, nhất là khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và chiếm tới 10,5% tổng GDP toàn cầu.

Số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (Bank of Thailand/BoT) cho biết trong năm 2012, nước này đã thu hút được hơn 550 tỉ baht vốn FDI, tương đương 18 tỉ USD.

Đây là con số kỷ lục về lượng vốn FDI mà nước này đạt được từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều so với con số 8,5% tỉ USD của năm 2011, tức cỡ 254 tỉ baht. Như vậy, lượng vốn FDI năm 2012 vào Thái Lan đã tăng 116% so với năm trước đó, theo con số của BoT.

Một nguồn số liệu khác của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong năm 2012, đã có thêm 336 công ty nước ngoài được phép đầu tư vào Thái Lan. Các công ty này đã tạo ra thêm được 9.000 việc làm cho người lao động Thái và như vậy tăng 168% so với cùng kỳ năm trước đó. Riêng lượng công ty FDI được phép hoạt động tại Thái Lan cũng tăng 30% so với năm trước đó. Còn nếu tính về giá trị đầu tư thì con số này cũng tăng lên 55% tính trong cùng kỳ.

Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (KResearch) thì cho rằng Thái Lan nên hoàn thành ngay kế hoạch kiểm soát lũ lụt của mình trong quí I năm nay để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vì nước này đã bị mất nhiều vốn FDI vào các nước láng giềng trong Asean trong vòng 5 năm qua ( đặc biêtj sau trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan vào cuối 2011).

Vẫn theo số liệu của viện nghiên cứu này, trong năm 2010 chỉ có 8% tổng vốn đầu tư vào Asean tới Thái Lan, giảm một nửa so với mức trung bình 16% trong các năm từ 2005-2009. Trong khi đó, Indonesia đã tăng lên mức 17% so với 13% trung bình của cùng thời kỳ.

Nhắm vào FDI Trung Quốc

Ông Banthoon Lamsam, Chủ tịch kiêm TGĐ của Kbank cho rằng Thái Lan luôn phải dè chừng trước các đối thủ cạnh tranh thu hút FDI và thương mại từ Trung Quốc trong khối Asean.

“Các nhà đầu tư Trung Quốc đã để ý tới Campuchia, Việt Nam và Myanmar như là các địa chỉ đầu tư mới sau khi giá nhânn công ở Thái Lan đã gia tăng đáng kể thời gian gần đây”, ông Banthoon nói.

FDI của Trung Quốc vào Asean đã tăng từ 119 triệu USD trong năm 2000 lên tới 3,8 tỉ USD trong năm 2011, và chiếm 12,2% tổng lượng FDI vào các nước Asean.

Trong khi đó, FDI của Trung Quốc vào Thái Lan tăng từ mức 57 triệu USD lên 700 triệu USD trong cùng thời gian đó. “Trong hai năm vừa qua, Kbank đã phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với xu hướng FDI Trung Quốc gia tăng vào Thái Lan.

“Lượng vốn (FDI) này của Trung Quốc sẽ còn gia tăng đáng kể trong vòng 5-10 năm tới và chắc chắn Thái Lan sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ xu hướng này nếu biết điều chỉnh tốt chiến lược thu hút FDI”, ông này nói.

Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác số 1 với khối Asean, theo sau đó mới là Mỹ, Nhật và Châu Âu.

Cơ hội sẽ gia tăng rất nhiều với cả các nước Asean và Thái Lan khi Trung Quốc ngày cần nhiều nguyên liệu và nhiên liệu cho việc sản xuất phục vụ thị trường nội địa được dự đoán là sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, hiện mới chiếm cỡ 35% tổng GDP của Trung Quốc.

Tỷ lệ DGP của Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ tăng từ mức 10,5% hiện nay lên 22% vào 2025, do vậy điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nước khác trong việc tạo ra thị trường phục vụ nhu cầu trong nước của Trung Quốc.

Tỷ lệ nợ công của Trung Quốc hiện cũng ở mức tương đối thấp, chỉ khoảng 43,5% trong khi lượng dự trữ quốc gia của nước này đã đạt mức 3.000 tỉ USD. Điều này giúp cho đồng nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ tiềm năng đối với các nước khác, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hiện còn đang bị hạn chế trong mặt giao dịch quốc tế, và chỉ chiếm 0,4% tổng lượng giao dịch quốc tế của Thái Lan trong năm 2010 và khoảng 0,25% trong năm 2011.

                                                                (diendandautu.vn)

Số lượt đọc: 3834
Thông báo