“Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã giảm khoảng 1/3 kể từ tháng 9/2011 vì một số lý do như nền kinh tế giảm tốc, lạm phát, mức nợ cao, và ảnh hưởng của thị trường bất động sản suy giảm… nhưng các nhà đầu tư Thái Lan vẫn còn quan tâm tới thị trường Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp Thái đã làm ăn ở Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng tới chiến lược dài hạn và tạo dựng giá trị thực sự tại thị trường này”, bài viết trên tờ báo hàng đầu của Thái Lan mở đầu.
Tác giả dẫn thông tin từ Lãnh sự quán Thái Lan tại Tp.HCM cho biết, Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam và lớn thứ ba trong số các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có đầu tư vào Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 5,9 tỷ USD. Hầu hết vốn đầu tư của các công ty Thái tại Việt Nam tập trung vào các ngành thực phẩm chế biến, giấy, nhựa, thức ăn chăn nuôi, và linh kiện xe máy.
Bài báo tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua được những khó khăn gần đây hơn mọi người nghĩ. “Mặc dù tốc động tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây vẫn dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong năm 2012 và 5,7% trong năm 2013”, bài báo viết.
Tác giả bài viết đưa ra 4 lý do chính để các nhà đầu tư Thái Lan cân nhắc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới:
Thứ nhất, Việt Nam đang thay đổi. Bài báo cho rằng, trước đây, các khoản vay dành cho các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả đã dẫn tới tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam tăng và gây áp lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến để giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam ổn định. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức trung bình khoảng 5% trong hai năm tới. Đây là một mức tăng trưởng bền vững và sẽ không gây ra lạm phát cao, đồng thời cũng sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Thứ ba, Việt Nam có thể được xem như một bàn đạp để nắm bắt cơ hội ở các nước láng giềng là Lào và Campuchia. Việt Nam có thể là cánh cửa để các nhà đầu tư Thái Lan tiếp cận với hai thị trường đang tăng trưởng năng động này, có thể là tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua các chi nhánh ở Việt Nam.
Và thứ tư, thị trường Việt Nam có thể giúp tiết kiệm chi phí. Nhiều công ty Việt Nam hiện đang muốn bán bớt tài sản do trước đây đầu tư thiếu trọng điểm, và đây có thể đem đến cơ hội tốt cho những công ty Thái Lan muốn thâu tóm để mở rộng hoạt động. Ngoài ra, lương nhân công ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với ở nhiều nước ASEAN khác, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp mới thành lập.
Bài báo cho rằng, một lý do khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm trong thời gian qua là do các nước ASEAN khác cạnh tranh mạnh mẽ để hút vốn đầu tư mới. Đây thực sự là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Thái Lan “sải cánh”, bài báo viết, nhất là khi các doanh nghiệp Thái đang được Chính phủ Thái khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Tác giả bài viết cũng khuyến nghị, chiến lược đầu tư lý tưởng cho các công ty Thái Lan là sắp xếp các khoản đầu tư tại nhiều quốc gia ASEAN, theo đó tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mỗi nước, các lợi ích về chuỗi cung cấp, đồng thời có thể phân tán rủi ro.