BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình đầu tư hai chiều Việt Nam - Ấn Độ
Thứ Bảy, 20/06/2020 09:09

Tính đến 20/06/2020, Ấn Độ đứng thứ 26 trong tổng số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 289 dự án, tổng vốn đăng ký 890,6 triệu USD

1. Tình hình ĐTNN của Ấn Độ tại Việt Nam

1.1. ĐTNN của Ấn Độ tại Việt Nam lũy kế đến 20/10/2020

Tính đến 20/06/2020, Ấn Độ đứng thứ 26 trong tổng số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 289 dự án, tổng vốn đăng ký 890,6 triệu USD.  

 - Về cơ cấu ngành: các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 58 dự án, tổng vốn đầu tư 455,9 triệu USD, chiếm 51,2% về vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực Sản xuất, phân phối điện với 5 dự án, tổng vốn đầu tư 236,3 triệu USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với 5 dự án, tổng vốn đầu tư là 96,5 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

- Về địa bàn đầu tư: không tính 3 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, Ấn Độ đầu tư tại 27 địa phương. Ninh Thuận dẫn đầu với 4 dự án, tổng vốn đầu tư 195,1 triệu USD. Tiếp theo là Phú Yên với 8 dự án, tổng vốn đầu tư 189,64 triệu USD. Bình Dương đứng thứ ba với 10 dự án, tổng vốn đầu tư là 115,46 triệu USD. Còn lại là các dự án tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Nghệ An,...

1.2. Một số dự án tiêu biểu:

Dự án lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam là dự án NHÀ MÁY ĐƯỜNG SƠN HÒA tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư đăng ký 94,5 triệu USD.

Dự án NHÀ MÁY ĐIỆN MẶT TRỜI INFRA 1 tại Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư 71,9 triệu USD.

Dự án CÔNG TY TNHH TATA COFFEE VIỆT NAM, tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 63 triệu USD.

2. Tình hình đầu tư của Việt Nam sang Ấn Độ

 Lũy kế đến tháng 6 năm 2020, các nhà đầu tư Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ, tổng vốn đăng ký 6,03 triệu USD, xếp thứ 3/78 địa bàn có vốn đầu tư của Việt Nam.

3. Triển vọng đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam

Hiện nay đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam còn hạn chế (chỉ chiếm 0,25% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) và có xu hướng giảm từ năm 2016, khi Ấn Độ thông báo chấm dứt hiệu lực của hiệp định đầu tư song phương với Việt Nam (chính thức hết hiệu lực năm 2017) và 57 đối tác khác. Ấn Độ cũng thông báo ý định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do lo ngại hàng hóa giá rẻ tràn vào thị trường Ấn Độ và gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, gia tăng thâm hụt thương mại với các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc.

Hiện nay, việc Ấn Độ ký kết tham gia Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho các dự án đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đang thực hiện được bảo hộ. Như vậy, việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương không ảnh hưởng đến quan hệ đầu tư hai nước.

Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đã khảo sát đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, màng nhựa bao bì cao cấp. Việt Nam đang là điểm đến tiềm năng với các nhà đầu tư Ấn Độ với thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo phù hợp cho ngành công nghệ thông tin, là ngành Ấn Độ có thế mạnh. Ngày 17 tháng 6 năm 2020, Cục Đầu tư nước ngoài đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), Bộ Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến với chủ đề Thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ trong trạng thái bình thường mới” tại các điểm cầu Hà Nội – New Delhi và Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tương tác với các cơ quan quản lý nhằm nắm bắt các chủ trương, chính sách về thương mại, đầu tư, xu hướng và nhu cầu của thị trường mỗi nước, trao đổi, tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh. Qua đó có thể thấy tiềm năng để thúc đẩy, tăng cường thu hút đầu tư từ Ấn Độ là rất lớn./.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 1793
Thông báo