4 tháng đầu năm, Việt Nam có 18 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ở nước ngoài với tổng số vốn hơn 142 triệu USD. Bên cạnh đó, có 9 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm hơn 403 triệu USD.
Tính chung 4 tháng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 545 triệu USD, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động khoa học và công nghệ là lĩnh vực có lượng vốn nhiều nhất, chiếm gần một nửa lượng vốn. Tiếp đó là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.
4 tháng đầu năm có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu, chiếm hơn 55%; tiếp sau đó là Campuchia, Pháp, Canada, Đức, Hà Lan.
Còn trong năm 2020, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cả cấp mới và điều chỉnh đạt trên 590 triệu USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Trong đó có 119 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đạt gần 318 triệu USD và 33 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 272 triệu USD (tăng gần 2,6 lần so với năm 2019).
Năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ 2, tiếp theo là các lĩnh vực tài chính ngân hàng; bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Năm 2020 có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 5 dự án điều chỉnh; Australia đứng thứ hai, tiếp theo là Đức, Hoa Kỳ, Myanmar…
Giới chuyên môn cho rằng việc tiếp tục đầu tư ra nước ngoài cho thấy doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy cơ hội mở rộng, khai thác ở các thị trường nước ngoài trên cơ sở lợi thế sẵn có của doanh nghiệp. Tận dụng cơ chế ưu đãi của nước sở tại ở thời điểm khó khăn này cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thuận lợi, nhất là trong bối cảnh một số ngành nghề trong nước có thể gặp bão hoà.