Đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp Việt đầu tư hơn 1.300 dự án với tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Luỹ kế đến hết năm 2019, các doanh nghiệp Việt có 1.321 dự án đầu tư tại nước ngoài, tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, lợi nhuận chuyển về nước của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tại nước ngoài đến nay đạt khoảng 3 tỷ USD, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư khoảng 363 triệu USD. Riêng năm 2019, khoản lãi giữ lại để tái đầu tư hơn 23,1 triệu USD. Các doanh nghiệp cũng đóng góp nghĩa vụ tài chính nhà nước từ các khoản đầu tư tại nước ngoài khoảng 22 triệu USD.
Bên cạnh phần vốn chuyển về nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hình thành khối lượng tài sản đáng kể như nhà máy, cơ sở sản xuất giá trị hàng tỷ USD tại nước ngoài.
Lào là địa điểm ghi nhận vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt nhiều nhất, gần 5 tỷ USD vốn đăng ký của 208 dự án; tiếp đến là Nga khoảng 2,8 tỷ USD, Campuchia khoảng 2,7 tỷ USD, Venezuena khoảng 1,8 tỷ USD...
Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt gần đây ghi nhận xu hướng dịch chuyển chủ thể đầu tư, khi vốn tư nhân tăng trong khi nhà nước giảm. Năm 2019, 100% số lượng dự án mới đầu tư ra nước ngoài do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, trong khi không có dự án nào của khối doanh nghiệp nhà nước.
Trong số gần 21 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước là 13,8 tỷ USD, đã giải ngân 6,7 tỷ USD. Trong số này, "ông lớn" PVN đầu tư 27 dự án với vốn đăng ký 7,1 tỷ USD; Viettel đầu tư 10 dự án viễn thông với vốn đăng ký 3 tỷ USD... Các ngân hàng như BIDV, MBBank, SHB, VietinBank, Vietcombank, Agribank... cũng đầu tư khoảng 830 triệu USD tại các thị trường nước ngoài.
Về phía tư nhân, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 7 dự án với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD. Hay Công ty cổ phần Golf Long Thành đầu tư 2 dự án tại Lào có vốn đăng ký khoảng 1,1 tỷ USD. ông ty Mía đường Nghệ An đầu tư dự án chăn nuôi bò, chế biến sữa tại Nga khoảng 500 triệu USD...
Bên cạnh hiệu quả đầu tư, cơ quan ngành kế hoạch cũng cảnh báo rủi ro khi doanh nghiệp Việt đầu tư ở nước ngoài. Theo đó, cơ quan này cho biết, tại một số dự án tỷ lệ vốn vay để đầu tư ra nước ngoài tăng cao. "Cần có sự rà soát, bảo đảm hiệu quả và an toàn cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới", Bộ Kế hoạch lưu ý.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đối diện với nhiều rủi ro nếu bỏ vốn đầu tư tại một số địa bàn có xung đột hoặc nguy cơ xung đột quân sự, địa bàn có tình hình chính trị - xã hội không ổn định như Iraq, Venezuela, Ukraina... Trong khi pháp luật chưa quy định các điều kiện cụ thể để hạn chế hoặc từ chối cấp giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư vào các địa bàn này.
Bộ Kế hoạch cũng ghi nhận, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại một số địa bàn và lĩnh vực đã xuất hiện một số rủi ro về pháp lý, có nguy cơ dẫn đến các vụ kiện, tranh chấp quốc tế, như ở một số nước châu Phi (Canmeroon, Tanzania...) và các lĩnh vực dầu khí, viễn thông. Theo cơ quan này, xu hướng đầu tư vào số địa bàn này đang giảm dần, nhưng cần có giải pháp để đảm bảo an toàn cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp", Bộ Kế hoạch lưu ý.