Buổi tọa đàm tại Phúc Kiến diễn ra tiếp sau buổi tọa đàm về hợp tác kinh tế - thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, ở Bắc Kinh (ngày 12/5), trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước, tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”, của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Trung Quốc.
Tại Phúc Kiến, khẳng định trước đại diện một số cơ quan và hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, bất động sản, tài chính,nông nghiệp, sữa... đến từ hai nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam coi trọng và ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng có thế mạnh của hai bên được tiếp cận thị trường của nhau, nhất là nông - thủy - hải sản đã qua chế biến, điện tử, hàng tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm công nghệ, linh kiện đầu vào phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Việt Nam hoan nghênh Trung Quốc đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, logistics, điện tử, công nghiệp hỗ trợ... Tuy nhiên, việc đầu tư cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động an sinh xã hội tại Việt Nam.
Đại diện phía Trung Quốc, ông Vu Vỹ Quốc, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến cũng thông tin, Phúc Kiến và các địa phương của Việt Nam có mối quan hệ giao thương mật thiết, năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,4 tỷ USD; Quý 1/2017, kim ngạch thương mại giữa Phúc Kiến với Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 820 triệu USD . Tính đến hết tháng 3,có 45 doanh nghiệp Phúc Kiến đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 270 triệu USD.
Ông Vu Vỹ Quốc đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển, đi sâu vào hợp tác kinh tế thương mại; thúc đẩy kết hợp trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất chế tạo, năng lượng... làm phong phú, mở rộng hợp tác về giáo dục, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao tỉnh Phúc Kiến, với lợi thế là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc, là nơi hội tụ các ngành công nghiệp chủ đạo như công nghiệp nhẹ, điện tử, thực phẩm, thủy sản,chế biến thực phẩm, nguyên liệu thô, dệt may, gỗ, hóa chất... Phúc Kiến có nhà máy chế biến trà Ô long nổi tiếng thế giới và các nhà máy sản xuất trang phục, đồ thể thao của các hãng lớn; nhiều hãng nước ngoài cũng có các hoạt động tại Phúc Kiến: Boeing, Dell, GE, Siemens, Panasonic...
Bộ trưởng nhấn mạnh, với việc Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ 8 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 11,2 tỷ USD và hơn 1.600 dự án; có phần đóng góp không nhỏ từ phía các doanh nghiệp Phúc Kiến đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...
Bên cạnh việc khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách đồng bộ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo sân chơi bình đằng; hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển...Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng, hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và của Phúc Kiến....sẽ là cầu nối thúc đẩy, mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước đi vào thực chất hơn...
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Phúc Kiến đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như điện tử,công nghiệp hỗ trợ, may mặc, chế biến nông sản sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam muốn các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, logistics …vốn là thế mạnh của Phúc Kiến...
Buổi Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 2017, tại Phúc Kiến diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần, nhưng đã được đông đảo các doanh nghiệp Phúc Kiến chào đón và tham dự. Thông qua buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hiểu rõ thêm về môi trường đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam; những cơ chế,chính sách hỗ trợ đầu tư; cũng như các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng mở ra cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc trong một số lĩnh vực.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 2017, tại Phúc Kiến; một số doanh nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực: Phân phối thủy- hải sản, nghiên cứu giống cây trồng, thành lập nhà máy sản xuất...
BK