Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch 2017 của tỉnh Trà Vinh diễn ra hôm nay (24/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao việc tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị nhằm tạo cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh, tăng cường đầu tư, hợp tác du lịch… để từ đó đưa Trà Vinh trở thành tỉnh đầu mối trong chế biến thủy hải sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh đi đầu trong việc đưa nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Trà Vinh có quy hoạch, kết cấu hạ tầng đồng bộ, là nơi có cảng biển lớn có thể tiếp cận, giao thương với các tỉnh và các nước trong khu vực... Vì vậy, vấn đề then chốt là làm sao thu hút các nhà đầu tư, để nhà đầu tư hiểu sâu sắc về vùng đất để phát huy thế mạnh về kinh tế biển, văn hoá, du lịch.
Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, Trà Vinh sẽ là nơi đắc địa, là “mặt tiền” đắt giá hướng ra biển Đông, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của quốc gia. Trà Vinh xây dựng mô hình phát triển kinh tế kiểu mẫu, vượt qua khó khăn của biến đổi khí hậu; xem xét quy hoạch lại các khu công nghiệp, liên kết chuỗi giá trị và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xúc tiến đầu tư dựa vào nuôi trồng thủy hải sản đồng thời phát triển du lịch sinh thái, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Tỉnh cần tập trung nuôi tôm thâm canh đột phá thông qua đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tích tụ ruộng đất.
“Người nông dân muốn giàu phải có tư duy đột phá thông qua góp vốn, góp sức cùng với các nhà đầu tư phát triển kinh tế vùng. Chính phủ mong muốn lắng nghe, chia sẻ với các nhà đầu tư để tìm ra khó khăn, riêng tỉnh Trà Vinh cần tập trung đồng bộ các giải pháp để trở thành tỉnh thành công trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, khai thác du lịch, dịch vụ…” - Thủ tướng nói.
Tại hội nghị lần này, tỉnh Trà Vinh đã kêu gọi đầu tư 17 dự án, trao bản ghi nhớ đầu tư cho 14 dự án, trao giấy chứng nhận đầu tư cho và quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án.
Trong đó, nổi bật là dự án khu bến tổng hợp Định An (Cty TNHH xây dựng Hàm Giang) với tổng vốn đầu tư 4.493 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội (Công ty địa ốc Hoàng Quân) thuộc dự án khu tái định cư với tổng vốn trên 654 tỷ đồng; dự án cảng dầu khí, kho xăng dầu và khí hóa lỏng (Công ty CP xuất nhập khẩu sản xuất thương mại dầu khí Petrol Life) với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng… Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã trao cam kết tín dụng cho 12 dự án với tổng giá trị 2.430 tỷ đồng…
Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu với nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển. Toàn tỉnh có trên 234.000 ha lúa, sản lượng 1,12 triệu tấn/năm; 20.000 ha trồng dừa với trên 3 triệu cây, sản lượng 220.000 tấn; 5.500 ha trồng mía/năm, sản lượng trên 600.000 tấn; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 43.700ha/năm, sản lượng thủy sản đạt 171.400 tấn, cùng nhiều loại màu và cây ăn quả khác…
Đặc biệt toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu kinh tế. Trong đó, khu công nghiệp Long Đức có diện tích 100ha, có 28 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 2.636 tỉ đồng; KCN Cổ Chiên (200ha) và KCN Cầu Quan (130ha) đang kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Riêng khu kinh tế Định An có diện tích 39.020ha, có 22 dự án, tổng vốn đăng ký trên 148.422 tỉ đồng và có 9 dự án được nhà đầu tư quan tâm.
Tính đến nay, tổng số dự án trong các KCN, khu kinh tế là 50 dự án, tổng vốn đăng ký trên 151.059 tỉ đồng… Với nguồn nguyên liệu dồi dào và sản lượng lớn về nông nghiệp, thủy sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với Trà Vinh.