Vượt qua tâm dịch, thu hút đầu tư ngoạn mục
Đón năm 2021, Việt Nam kỳ vọng là quốc gia tăng trưởng nhanh và thu hút thêm nhiều dòng vốn FDI bởi thành công lớn trong khống chế dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên biến chủng mới Covid-19 có tên Delta đã dập tắt những kỳ vọng về thu hút đầu tư.
Theo số liệu thống kê về tình hình thu hút FDI 7 tháng năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ năm 2020. Đó là biểu hiện sự suy giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam đang trở nên rõ nét hơn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với cả nước, kinh tế và thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang cũng đã trải qua những ngày “sóng gió” bởi dịch bệnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của T.Ư, sự chi viện của các tỉnh bạn, sự tập trung cao của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, chung tay ủng hộ của người dân, Bắc Giang đã vượt ra khỏi tâm dịch và tiếp tục khôi phục sản xuất, thu hút đầu tư.
Chỉ sau hai tháng, Bắc Giang đã “hồi sinh” ngoạn mục, tất cả các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) khôi phục lại sản xuất, số lao động tăng hơn so với trước khi dịch bùng phát; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 14,2% so với tháng 8 và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu hút FDI đạt kết quả bất ngờ, lũy kế đến tháng 9/2021 toàn tỉnh thu hút được 17 dự án FDI mới với số vốn đăng ký 620,2 triệu USD, điều chỉnh 32 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm là 161 triệu USD (tổng vốn thu hút FDI là 781,2 triệu USD), đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn FDI. Những “đại bàng” có tên tuổi lớn hàng đầu trên thế giới như: Apple, Samsung, Luxshsare… đều mong muốn được “làm tổ” lâu dài tại Bắc Giang.
Có được kết quả đó là bởi tỉnh đã có nhiều giải pháp phù hợp về thu hút đầu tư FDI trong tình hình dịch Covid-19. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, gặp gỡ các vị đại sứ, cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam và lãnh đạo tập đoàn lớn của nước ngoài. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xây dựng tài liệu về xúc tiến đầu tư ngắn gọn, dễ hiểu, đủ nội dung và tăng cường quảng bá trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt, sau khi khống chế thành công dịch Covid-19 tại các KCN, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ DN, nhà đầu tư khôi phục sản xuất.
Thời cơ và thách thức
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, khái niệm "làm tổ đón đại bàng" được Bắc Giang nhắc đến, kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, chất lượng ngày càng cao. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến khảo sát tìm hiểu về các KCN, đô thị, khu du lịch, vui chơi giải trí, sân golf tại Bắc Giang.
Đến tháng 9/2021, toàn tỉnh đã thu hút được 17 dự án FDI mới, với số vốn đăng ký 620,2 triệu USD, điều chỉnh 32 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm là 161 triệu USD (tổng vốn thu hút FDI là 781,2 triệu USD), đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn FDI.
Tỉnh Bắc Giang đã và đang trở thành trung tâm sản xuất trong chuỗi sản xuất toàn cầu các mặt hàng về điện tử, máy tính, điện thoại thông minh, pin năng lượng mặt trời… Mặt khác, Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để làm cơ sở thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh những thời cơ to lớn đó, Bắc Giang phải đối diện với nhiều thách thức, đó là dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế trên toàn cầu và có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bắc Giang phải cạnh tranh gay gắt với các tỉnh bạn và cùng Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, dịch vụ vui chơi giải trí chưa đáp ứng yêu cầu cho thu hút đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn nhân lực cao, nhân lực có tay nghề, nhân lực qua đào tạo có tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến. Việc chuyển đổi số còn chậm; công tác xúc tiến đầu tư vẫn chưa đạt yêu cầu.
Tạo ra “tấm áo mới”
Để tiếp tục khơi dòng vốn FDI trong thời gian tới, Bắc Giang cần có những giải pháp đột phá. Thứ nhất, tạo không gian phát triển mới. Bắc Giang muốn phát triển nhanh và bền vững cần phải rũ bỏ “tấm áo cũ” tạo ra một “tấm áo mới” đủ rộng bao gồm không gian cho hệ thống giao thông gắn với các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch vui chơi giải trí, xen kẽ các vùng nông nghiệp xanh cùng phát triển hài hòa. Không gian phát triển mới là cơ sở, điều kiện để thu hút đầu tư. Giải pháp này chính là bản Quy hoạch vùng tỉnh đang được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ có một bản quy hoạch tốt mới có thể mời gọi được “đại bàng đến làm tổ”.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH FuHong (KCN Đình Trám). Ảnh: Danh Lam
Tiếp đến cần áp dụng chuyển đổi số trong thu hút đầu tư. Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, địa phương nào, quốc gia nào đi đầu trong chuyển đổi số thì địa phương đó, quốc gia đó sẽ thành công. Thu hút đầu tư cần triệt để áp dụng chuyển đổi số từ việc hoạch định chính sách, phân tích dữ liệu lớn về thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính online, xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư… Ví như, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu tham mưu cho tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ (gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài) thông qua hình thức trực tuyến, tiến tới tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến.
Việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong điều kiện bình thường mới cũng rất quan trọng. Thời gian qua, Bắc Giang đã làm rất tốt công tác hỗ trợ DN phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ chung của quốc gia, Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu có những giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, DN để duy trì sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu, như: Cách thức test nhanh Covid-19 cho công nhân như thế nào cho hợp lý; thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy; tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của DN tại các vùng kinh tế trọng điểm, địa bàn sản xuất - kinh doanh sử dụng nhiều lao động.