|
Sản xuất linh kiện kỹ thuật cao cho điện thoại di động tại Công ty CP CrucialTec Vina (KCN Yên Phong). Ảnh: Báo Bắc Ninh
|
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp sáng tạo, kịp thời, sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Tình hình phát triển kinh tế dần được phục hồi, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động bình thường trở lại, hoạt động của các khu công nghiệp lớn được duy trì.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 16/9, tỉnh đã cấp mới cho 97 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 522 triệu USD (tăng gấp 1,5 lần số vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước); điều chỉnh vốn cho 64 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 106,37 triệu USD. Hoạt động đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo… Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc là những quốc gia đầu tư lớn tại địa phương.
Lũy kế đến hết ngày 16/9, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.693 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20.429,315 triệu USD.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất, nhập khẩu 8 tháng của khối này đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 31,92 tỷ USD, đạt 87,5% kế hoạch năm, tăng 23,7% so với cùng kỳ, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,83 tỷ USD, chiếm 99,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu toàn tỉnh.
Hoạt động nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, do các doanh nghiệp sản xuất phải áp dụng các biện pháp phòng dịch, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. 9 tháng năm 2021, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 26,977 tỷ USD, đạt 83,5% kế hoạch, tăng 19,4% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 26,51 tỷ USD, chiếm 98,28% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu toàn tỉnh.
Tính chung 9 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 22.086,86 tỷ đồng, đạt 79,3% dự toán năm và tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 32,2% thu nội địa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng đầu tiên trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4, tình huống nguy hiểm nhất là khi xuất hiện các ca nhiễm trong khu công nghiệp, các ca mắc mới liên tục tăng nhanh, bất ngờ, trong khi bài toán kinh tế đặt ra là phải giảm thiểu thiệt hại, không thể “đóng băng” các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng gặp không ít khó khăn như: Nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, lưu thông hàng hóa, thiếu lao động (do cách ly, phong tỏa), thiếu vaccine tiêm cho công nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính khi các khoản vay đến hạn, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng (do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, chi phí vận tải cao,…), nguồn nguyên liệu nhập khẩu khó khăn,…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, đúng, trúng, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ được sức khỏe người lao động, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh đã duy trì chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” nhanh chóng ổn định tình hình và thực hiện triệt để phương châm “3 tại chỗ” và “2 địa điểm, 1 cung đường”; thiết lập hệ thống zoom meeting để họp trực tuyến với tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc họp với từng nhóm doanh nghiệp, từng khu công nghiệp để kịp thời triển khai các chỉ đạo và lắng nghe; giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh nhất; lập cơ sở dữ liệu người lao động từng doanh nghiệp cập nhật vào phần mềm trên trang covid.bacninh.gov.vn,…
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp, gọi tắt là tổ phản ứng nhanh 3 nhất với phương châm “tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất”.
Tổ gồm 28 thành viên do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh làm Tổ trưởng, hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống COVID-19 an toàn trong các đơn vị, hỗ trợ giải quyết kịp thời, trực tiếp từng vụ việc cụ thể, từng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Với sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của chính quyền, nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp đã dần hoạt động trở lại, khôi phục sản xuất chung tay cùng tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.
Để chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước, ông Vương Quốc Tuấn cho hay, Bắc Ninh đã và đang chuẩn bị một số giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tạo sức lan tỏa.
Thứ hai, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021, của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Thứ ba, triển khai có hiệu quả mô hình Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp “3 nhất”.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh; các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành lĩnh vực có liên quan, thực hiện công khai theo quy định làm cơ sở thu hút nhà đầu tư.
Thứ năm, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trực tuyến thông qua các đầu mối từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán,... giúp Bắc Ninh kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Thứ sáu, tiếp tục quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”: Sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.
Thứ bảy, tăng cường công tác ngoại giao vaccine để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập cảnh trong trường hợp đủ điều kiện; từ đó ổn định cuộc sống và sản xuất.