BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 15/09/2024
Vùng, Thông tin
5 nhóm chính sách doanh nghiệp “mong mỏi” thay đổi nhất
Thứ Hai, 27/09/2021 03:44
5 nhóm chính sách doanh nghiệp “mong mỏi” thay đổi nhất

Hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT và giảm tỷ lệ đóng BHXH là 5 nhóm chính sách được doanh nghiệp mong mỏi nhất.


Báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố cho thấy, trong 21.517 doanh nghiệp được tiến hành khảo sát trả lời cho câu hỏi “chính sách nào là hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp”, thì chính sách được nhiều doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn nhất là “Hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương”, với tỷ lệ lựa chọn là 62%.
Đề xuất này khá nhất quán so với kết quả thống kê 5 gánh nặng tài chính lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải đặc biệt với doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch”, doanh nghiệp cho rằng khó khăn tài chính lớn nhất chính là “trả tiền lương”. Vì trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, họ vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu.
Chính sách “Hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương” không phải lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”. Tuy nhiên đây cũng là lựa chọn nhiều thứ hai của nhóm doanh nghiệp này, chiếm tỷ lệ là 55%. Đây là nhóm doanh nghiệp đang chịu rất nhiều áp lực và chịu nhiều khoản chi phí phát sinh đối với người lao động không chỉ tiền chi lương, bảo hiểm, nhằm duy trì một phần hoạt động, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm để giữ thị trường, giữ khách hàng, không bị phạt hợp đồng.

Như đã đề cập ở phần khó khăn về tài chính của doanh nghiệp ở bài kỳ trước, để “duy trì sản xuất kinh doanh” mặc dù dưới công suất, nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đã phải tăng thêm chi phí bình quân cho 1 lao động một tháng là 9,33 triệu đồng. Trong khi đó “bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 đạt 9,3 triệu đồng”. Tức là chi phí cho lao động tăng gấp đôi. Vì thế, đây là nhóm chính sách quan trọng để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nâng được sức cạnh tranh, cải thiện sức khỏe tài chính nhằm tiếp tục duy trì hoạt động và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Một phần vì lý do trên, có tới 65% doanh nghiệp nhóm này lựa chọn chính sách hỗ trợ hiệu quả nhất đối với họ là chính sách “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”. Khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, hay thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều doanh nghiệp có thể cũng “không còn lợi nhuận” và trong trường hợp này không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, “chèo lái” được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch để có lợi nhuận thì chính sách này có thể xem là một hành động đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì được cầu đầu vào về nguyên, nhiên liệu, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, từ đó lại có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ, hoặc doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ có thêm cơ hội phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.
Chính sách “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp” cũng được lựa chọn nhiều thứ hai trong nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch”, với tỷ lệ 60%.

Nhóm Chính sách hỗ trợ của Nhà nước được doanh nghiệp trong cả 2 nhóm lựa chọn, với tỷ lệ nhiều thứ 3, là Nhà nước hỗ trợ “giảm chi phí điện, nước, nhiêu liệu cho hoạt động kinh doanh”. Có 54% doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 50% doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” cho đây là cách Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh nhất, ít bị cản trở bởi các điều kiện khác về sửa đổi luật, hay các điều kiện hành chính đi kèm với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ trong thời gian qua.
Chính sách được nhiều doanh nghiệp cả hai nhóm lựa chọn nhiều thứ 4 và cho là chính sách hỗ trợ có hiệu quả là “giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)”. Có 48% doanh nghiệp thuộc nhóm “duy trì sản xuất kinh doanh” và 46% doanh nghiệp thuộc nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn chính sách này. Mặc dù VAT là thuế gián thu, không phải thuế trực thu như thuế TNDN, tức là doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước nhưng các doanh nghiệp vẫn mong Nhà nước xem xét giảm thuế này để có thể giúp giảm giá hàng hóa (giá có cả thuế), tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời điều này sẽ giúp tăng cầu hàng hóa của người dân. Khi cầu hàng hóa tăng thì các doanh nghiệp có thể duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Chính sách thứ năm được cả hai nhóm doanh nghiệp cho là chính sách hỗ trợ có hiệu quả là “giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội”. Có 41% doanh nghiệp thuộc nhóm “duy trì sản xuất kinh doanh” và 33% doanh nghiệp thuộc nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn chính sách này. Khi tỷ lệ đóng góp này giảm thì góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời có thể tạo một hướng mới cho doanh nghiệp là dùng tỷ lệ giảm đóng bảo hiểm bắt buộc để có thể đóng góp bảo hiểm tự nguyện cho người lao động, một cách thức góp phần giữ chân người lao động đồng thời mang lại nguồn dự phòng đời sống cho người lao động.

Ngoài 5 chính sách được lựa chọn nhiều nhất thì có gần 30% các doanh nghiệp cho là chính sách “hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng” hoặc “giảm thuế thu nhập cá nhân” cũng là những chính sách hiệu quả.

Theo diendandoanhnghiep.vn
Số lượt đọc: 1297
Thông báo