BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 (phần 2)
Thứ Năm, 29/10/2020 09:47
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 (phần 2)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020.

5. Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch

Mặc dù dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Trong tháng 10/2020, thương mại trong nước tiếp tục xu hướng tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; vận tải tăng 2,9% về lượng hành khách vận chuyển và 3,7% về lượng hàng hóa vận chuyển; khách quốc tế đến nước ta tăng 7,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước tính đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 đạt 27.163 triệu USD, thấp hơn 337 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 123,8 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 81,8 tỷ USD, tăng 1,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,9 tỷ USD, giảm 2,5%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14%. Thị trường EU đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%. Thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,6%. Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, giảm 2,6%. Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, giảm 7%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 đạt 24.204 triệu USD, cao hơn 204 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 10 tháng năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 194,93 tỷ USD, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,62 tỷ USD, tăng 6,5% và chiếm 7,4%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 10 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 65,8 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 5,3%; thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, giảm 8,5%; Nhật Bản đạt 16,5 tỷ USD, tăng 2,5%; thị trường EU đạt 11,8 tỷ USD, tăng 4,2%; Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 xuất siêu 3 tỷ USD[2]; 9 tháng xuất siêu 16,52 tỷ USD; tháng Mười ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD[3].

Vận tải hành khách tháng Mười ước tính đạt 283,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,9% so với tháng trước và luân chuyển 12,4 tỷ lượt khách.km, tăng 7,6%. Tính chung 10 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 2.916,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%) và luân chuyển 132,1 tỷ lượt khách.km, giảm 35,4% (cùng kỳ năm trước tăng 10,4%). Vận tải hàng hóa tháng Mười ước tính đạt 164 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,7% so với tháng trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 4%. Tính chung 10 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.429.9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%) và luân chuyển 273,7 tỷ tấn.km, giảm 8,8% (cùng kỳ năm trước tăng 7,4%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 10/2020 ước tính đạt 14,8 nghìn lượt người, tăng 7,6% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.803,3 nghìn lượt người, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước.

CPI tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 0,09% so với tháng 12/2019 và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới diễn biến thất thường do nhiều luồng thông tin trái chiều trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ và dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ số giá vàng tháng 10/2020 giảm 1,1% so với tháng trước; tăng 30,91% so với tháng 12/2019 và tăng 29,63% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2020 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 0,19% so với tháng 12/2019 và giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

Trong 10 tháng năm nay, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,7% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,9% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia[4], 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ, Bra-xin, Nga và Pháp. Tại Việt Nam, tính đến 6h00 ngày 28/10/2020 có 1.172 trường hợp mắc Covid-19, 1.066 trường hợp đã được chữa khỏi (35 trường hợp tử vong) và đã 56 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.

Tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước 10 tháng năm 2020 đã xảy ra 11.653 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6.717 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.936 vụ va chạm giao thông, làm 5.456 người chết, 3.523 người bị thương và 5.107 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 10 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 12 người bị thương và 17 người bị thương nhẹ.

Thiên tai xảy ra trong tháng Mười chủ yếu là bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy tại một số địa phương làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; 3 nghìn con gia súc và 600,5 nghìn con gia cầm bị chết; 45 nghìn ha lúa và 22,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 2,7 nghìn tỷ đồng. Riêng mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm 129 người chết và mất tích, 214 người bị thương; 111,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; hơn 1 nghìn ha lúa và 7,2 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,8% tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra. Trong đó, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề với 106 người chết, mất tích, 133 người bị thương; 95,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, 2,4 nghìn con gia súc và 573,2 nghìn con gia cầm bị chết, thiệt hại ước tính hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung 10 tháng năm 2020, thiên tai làm 249 người chết và mất tích, 516 người bị thương; 1.940 ngôi nhà bị sập đổ; 212,7 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 187,8 nghìn ha lúa và gần 90 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 10,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 3,5 nghìn tỷ đồng.

Trong tháng, cả nước xảy ra 164 vụ cháy, nổ, làm 8 người chết và 10 người bị thương, thiệt hại ước tính 45,9 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.418 vụ cháy, nổ, làm 87 người chết và 141 người bị thương, thiệt hại ước tính 462,1 tỷ đồng./.

[1] Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 tăng 3,5% so với tháng trước; tháng Chín tăng 2,3% và tháng Mười tăng 3,6%.

[2] Ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD.

[3] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 17,1 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 28,2 tỷ USD, giảm 2,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, giảm 7,3%; nhập siêu từ ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 4,1%.

[4] Tính đến 6h00 ngày 28/10/2020, trên thế giới có 44.218,6 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (1.171,1 nghìn trường hợp tử vong).

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 1267
Thông báo