BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 26/01/2025
Vùng, Thông tin
Công nghệ thông tin - Nền tảng trong quản lý đầu tư nước ngoài
Thứ Hai, 26/10/2020 10:50
Công nghệ thông tin - Nền tảng trong quản lý đầu tư nước ngoài

Thời gian qua đầu tư nước ngoài (ĐTNN) luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng cao hiệu tác động tích cực từ nguồn vốn ĐTNN đến sự phát triển kinh tế Việt Nam, thông qua công tác quản lý ĐTNN là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác ĐTNN đang được coi là tất yếu.

Địa phương lơ là, hệ thống bộc lộ bất cập

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, hiện nay việc tổng hợp, báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư ra nước ngoài…thông qua hệ thống thông tin điện tử về ĐTNN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, quản lý và vận hành còn chưa được chú trọng và thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện.

Theo đó, việc các địa phương thực hiện công tác tổng hợp báo cáo theo quy định về thời gian và quy chuẩn còn hết sức sơ sài, thậm chí thiếu tính chính xác. Nhiều cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu Kinh tế,… được giao thực hiện chuyên trách báo cáo còn lơ là, không quan tâm tới nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài do được xây dựng vận hành từ nhiều năm trước, đến nay cũng đã bộ lộ nhiều hạn chế, giao diện và nội dung không còn được phù hợp so với yêu cầu thực tiễn.

Cụ thể, theo khảo sát của Cục Đầu tư nước ngoài (cơ quan được giao chuyên trách quản lý về hệ thống thông tin điện tử Đầu tư nước ngoài) và số một số cơ quan tư vấn về công nghệ thông tin cho thấy, hiện nay tốc độ truy cập của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài còn chậm do hạ tầng phần cứng chưa đảm bảo. Vấn đề an toàn thông tin của Hệ thống hiện chưa được chú trọng đúng mức, chưa có chính sách đảm bảo toàn thông tin toàn diện cho hệ thống Các trang thiết bị và giải pháp cảnh báo và phòng chống tấn công, bảo mật dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc hiện nay chưa được đầu tư là rủi ro cho an toàn thông tin của hệ thống.

Thêm vào đó, do những quy định mới tại Luật Đầu tư, hệ thống được xây dựng trước đó với các yêu cầu quản lý theo Luật đầu tư cũ chưa đáp ứng được nhu cầu người dùng hiện tại, cụ thể hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư là hệ thống dùng chung cho đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước (theo quy định tại Luật đầu tư 2014). Tuy nhiên, hệ thống hiện nay mới chỉ đáp ứng cho các dự án đầu tư nước ngoài.

Theo quy định của Luật đầu tư sửa đổi, các dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Do đó việc xây dựng thêm hợp phần góp vốn mua cổ phần cho Hệ thống này cũng là cần thiết.  Hệ thống gồm có 5 cấu phần : (1) cấu phần quản lý đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, (2) cấu phần quản lý đầu tư ra nước ngoài; (3) cấu phần quản lý xúc tiến đầu tư; (4) cấu phần trang thông tin quốc gia về đâu tư nước ngoài và (5) cấu phần báo cáo. Cho đến nay, mới chỉ cấu phần quản lý đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới cơ bản được xây dựng; các cấu phần khác chưa được xây dựng;

Hệ thống chưa cho phép các đầu mối cấp phép đầu tư là Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp xử lý quá trình cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư thông qua hệ thống;Chức năng cấp GCNĐT online chưa hoàn thiện.

Hệ thống báo cáo còn chưa hoàn thiện, nhiều lỗi và nhiều chức năng còn chưa được xây dựng. Các biểu mẫu báo cáo theo quy định tại Luật mới cũng cần phải được chỉnh sửa cập nhật. Hệ thống mới chỉ cho phép xuất các báo cáo tổng hợp dạng đơn giản, chưa có các công cụ để phân tích, đánh giá dữ liệu một cách bài bản. Hệ thống cũng chưa xây dựng được các chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm cơ hội đầu tư và hoạt động kinh doanh.

Hệ thống chưa có sự đảm bảo về an toàn thông tin đối với dữ liệu về đầu tư, cụ thể là sự toàn vẹn dữ liệu đối với các dữ liệu có cấu trúc cũng như các dữ liệu phi cấu trúc trong hệ thống.

Ngoài ra, sự liên kết dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương thông qua hệ thống thông tin điện tử còn yếu dẫn đến việc không có được cái nhìn tổng quát về đầu tư nước ngoài trên bình diện cả nước. Từ đó, gây ra tình trạng “thiếu, yếu thông tin”  và tác động tiêu cực tới việc tổng hợp, nhận định và phân tích số liệu, làm cho việc hoạch định chính các chính sách về quản lý ĐTNN gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng hệ thống từ nguồn vốn hỗ trợ

Để giải quyết những tồn tại và vướng mắc trên, việc tăng cường và nâng cao năng lực của Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và các hoạt động liên quan nhằm phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và phát triển kinh doanh tại Việt Nam, được coi là hết sức cấp bách.

Vì vậy, Dự án nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài sẽ được triển khai và tiếp tục do Cục Đầu tư nước ngoài đảm trách thưc hiện chính; các đơn vị cấp phép đầu tư thuộc Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các bộ khác; 63 tỉnh, thành phố của cả nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý KCN và một số cơ quan có chức năng về quản lý đầu tư tại địa phương) cũng sẽ cùng tham gia vận hành sau này.

Theo đó, nguồn vốn thực hiện dự án trên sẽ được cơ quan quốc tế KOICA tài trợ với tổng vốn là 6.200.000 USD, trong đó:  nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 5.500.000 USD  sẽ được dùng để thực hiện các nội dung như Tư vấn và quản lý dự án, Rà soát và nâng cấp cơ sở dữ liệu hiện có, Triển khai nâng cấp phần mềm hệ thống, tập huấn đào tạo, nâng cấp bổ sung hạ tầng phần cứng…

Bên cạnh đó, nguồn vốn đối ứng bao gồm 700.000 USD sẽ được sử dụng để tuyên truyền quảng cáo cho chương trình, dự án hoạt động, chi phí hoạt động của Ban Quản lý Dự án, hội nghị và đào tạo, hoạt động giám và nghiệm thu dự án.

Để đảm bảo triển khai dự án theo đúng kế hoạch đề ra trong 4 năm từ 2019-2022, với các nội dung đinh hướng theo từng năm, trong đó tập trung vào các kế hoạch công việc chính như về việc hoàn thành báo cáo tư vấn, rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, xây dựng chức năng cấp GCNĐT trực tuyến; trang bị phần cứng cho hệ thống. Hoàn thành xây dựng hệ thống báo cáo, khai thác và tra cứu thông tin. Triển khai phần mềm kết nối với các Bộ, ngành liên quan. Triển khai hệ thống hỗ trợ phân tích, tìm kiếm địa điểm đầu tư, xây dựng hệ thống tra cứu thông tin địa lý, sử dụng đất,...

Cục Đầu tư nước ngoài cũng đề xuất và đưa ra cơ sở tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án:  Đối với vốn đối ứng, cấp phát 100% từ ngân sách nhà nước.  Vốn đối ứng cho Dự án từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp tăng cường năng lực cho Bộ KH-ĐT trong việc cung cấp dịch vụ công cho nhà đầu tư và quản lý, phân tích cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, nguồn vốn trên được kỳ vọng sẽ giúp nâng cấp hệ thống hiện có và xây dựng nền tảng hệ thống thông tin tích hợp theo kiến trúc hướng dịch vụ SOA nhằm tăng cường hiệu suất và hiệu quả xử lý dữ liệu, tăng cường khả năng tiếp nhận các báo cáo định kỳ của các Bộ nghành và các Tỉnh – thành phố; phân tích và xây dựng hệ thống báo cáo động  theo các chỉ tiêu ngành của MPI; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 3 và cấp 4 qua môi trường mạng Internet; cung cấp khả năng bảo đảm an toàn thông tin về đầu tư nước ngoài để phục vụ xử lý nghiệp vụ đầu tư và báo cáo thống kê; tích hợp và liên thông với Hệ thống quốc gia về đăng ký kinh doanh cũng như cung cấp tiêu chuẩn tích hợp cho các hệ thống thông tin quốc gia khác nhằm kết nối liên thông và khai thác dữ liệu; xây dựng cổng kết nối với các hệ thống thông tin của các tỉnh thành để tiếp nhận – trao đổi báo cáo cũng như trao đổi tích hợp dữ liệu.

Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN hiện nay do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và vận hành. Hệ thống hiện đang được vận hành tại tất cả các địa phương và doanh nghiệp FDI từ khâu khai hồ sơ online, tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tổng hợp báo cáo, thu thập dữ liệu báo cáo từ doanh nghiệp. Đây cũng là hệ thống thông tin điện tử đang được chú trọng nghiên cứu, bổ sung hoặc thay đổi theo kế hoạch nâng cao công tác quản lý ĐTNN do Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý và trực tiếp nghiên cứu triển khai trong thời gian qua và sắp tới.

Số lượt đọc: 1259
Thông báo