Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật PPP được ban hành đã tạo một khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài, ổn định hơn cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi của Luật chưa thể quy định chi tiết một số nội dung. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành một số nội dung tại Luật PPP.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) chủ trì nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với mục đích: Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định
Về lĩnh vực đầu tư (Điều 4), dự thảo Nghị định quy định chi tiết các lĩnh vực như sau:
Lĩnh vực giao thông bao gồm: Đường bộ; Đường sắt; Đường thủy nội địa; Hàng hải và Hàng không.
Lưới điện, nhà máy điện bao gồm: Nhiệt điện; Điện gió; Điện mặt trời; Năng lượng tái tạo; Điện khí, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG); Điện hạt nhân và Lưới điện truyền tải để đấu nối giữa nhà máy điện quy định nêu trên.
Lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo.
Lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: Khu công nghệ thông tin tập trung; hệ thống thông tin quốc gia, các cơ sở dữ liệu quan trọng quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống kết nối thông tin trực tuyến thuộc nền tảng Chính phủ điện tử...
Về quy mô đầu tư, nhằm đảm bảo việc tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình PPP nói chung và từng dự án PPP nói riêng, dự thảo Nghị định quy định theo hướng quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của từng lĩnh vực chi tiết cho dự án từ nhóm B trở lên.
Về Hội đồng thẩm định dự án PPP (Chương II Dự thảo Nghị định): Để giảm thủ tục cử người đối với một số cơ quan then chốt, luôn có thành viên tham gia vào các Hội đồng thẩm định dự án, dự thảo Nghị định đề xuất thành lập hội đồng thường trực và giao cho chủ tịch hội đồng này quyền bổ sung thành viên tùy từng dự án cụ thể. Hội đồng thẩm định liên ngành thường trực với thành viên là đại diện của các cơ quan sau đây: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước. Đối với Hội đồng thẩm định cấp cơ sở, cơ cấu thành viên Hội đồng thường trực do Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP: Luật PPP (Điều 19) quy định các nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, trong đó bao gồm kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư và bên cho vay (nếu có). Trong quá trình khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, dự thảo Nghị định quy định theo hướng khảo sát sơ bộ các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án, làm cơ sở để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc áp dụng sơ tuyển và lựa chọn nhà đầu tư quốc tế. Các nội dung này sẽ được nêu trong quyết định phê duyệt dự án.