BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 27/01/2025
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý III và 9 tháng năm 2020 (phần 2)
Thứ Ba, 29/09/2020 09:40
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý III và 9 tháng năm 2020 (phần 2)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020.

6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong 9 tháng năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 22/9/2020 đạt mức thấp 5,12%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế 9 tháng năm 2020 tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2020 tăng 12%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 228,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 5.835 tỷ đồng/phiên, tăng 25,3% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 9.674 tỷ đồng/phiên, tăng 5,1%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 170.348 hợp đồng/phiên, tăng 92%.

7. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Chín và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước có xu hướng tăng cao là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam. 

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 597,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,7% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 484,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 641,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% và tăng 2,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 319,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% và giảm 2,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.947 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10,4 tỷ USD, giảm 29,4% về số dự án và giảm 5,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 798 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 6,8%; có 5.172 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 5,7 tỷ USD, giảm 44,9%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.296 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,1 tỷ USD và 3.876 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,6 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt gần 13,8 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2020 có 96 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 268,3 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 163,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 432,1 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, một số địa phương trong vùng dịch nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, từng bước khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế đã tác động đến kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước trong tháng 9/2020.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 747,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1%; thu từ dầu thô 26,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 128 nghìn tỷ đồng, bằng 61,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 1.036,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 716,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8%; chi đầu tư phát triển 235,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50%; chi trả nợ lãi 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 66,3%.

9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

a) Xuất nhập khẩu hàng hóa[10]

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%[11]. Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 8/2020 đạt 27.702 triệu USD, cao hơn 1.202 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 9/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý III/2020 ước tính đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,4% so với quý II năm nay (tăng 26,6% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%. Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 108,79 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 73,41 tỷ USD, tăng 2,2%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 14,63 tỷ USD, giảm 4,7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,03 tỷ USD, giảm 3%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD, tăng 12,7%. Thị trường EU đạt 26 tỷ USD, giảm 2,6%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,5%. Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 8/2020 đạt 22.717 triệu USD, thấp hơn 283 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng Chín, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý III/2020 ước tính đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quí I). Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%. Trong 9 tháng năm 2020 có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 173,71 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,16 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 6,5%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 32,8 tỷ USD, giảm 7,1%. Thị trường ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, giảm 8,7%. Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 2,8%. Thị trường EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 5,6%. Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, giảm 1,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tám xuất siêu 5 tỷ USD[12]; 8 tháng xuất siêu 13,5 tỷ USD; tháng Chín ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD[13] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 787 triệu USD, giảm 84,2% so với cùng kỳ năm trước (quý II giảm 80,4%; quý I giảm 23,6%); kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 4,6 tỷ USD, giảm 16,3% (quý II giảm 23,2%; quý I giảm 3,2%).

Trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 5,47 tỷ USD, giảm 62,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,5 tỷ USD (chiếm 45,1% tổng kim ngạch), giảm 70,9%; dịch vụ vận tải đạt 665 triệu USD (chiếm 12,2%), giảm 79,6%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,63 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 5,9 tỷ USD (chiếm 43,3% tổng kim ngạch), giảm 0,3%; dịch vụ du lịch đạt 3,2 tỷ USD (chiếm 23,6%), giảm 33,4%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng năm 2020 là 8,16 tỷ USD, bằng 149,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

10. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[14], chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 9 tháng giảm 0,72% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

CPI tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,01% so với tháng 12/2019 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung quý III/2020, CPI tăng 0,92% so với quý trước và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2020 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 1,97% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2020 giảm 0,33% so với tháng trước; tăng 32,37% so với tháng 12/2019 và tăng 30,33% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2020 giảm 0,05% so với tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12/2019 và giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

11. Một số tình hình xã hội

a) Lao động và việc làm

Tình hình lao động, việc làm cả nước trong quý III/2020 có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của người làm công hưởng lương dần được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý III mặc dù giảm so với quý II nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây[15].

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2020 ước tính là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước và giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2020 ước tính là 48,5 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý trước và giảm 638,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,1 triệu người, giảm 940,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 1,9%.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2020 ước tính là 53,3 triệu người. Tính chung 9 tháng năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,1 triệu người, bao gồm 17,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,4 triệu người, tăng 0,3%, trong đó tăng chủ yếu đối với lao động phi chính thức ngành xây dựng (tăng 4,6%), còn lao động chính thức trong ngành xây dựng giảm 9,3%; khu vực dịch vụ là 19,2 triệu người, giảm 1%. Chuyển dịch lao động tiếp tục theo xu hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với tỷ trọng lao động tương ứng trong các khu vực là: 33%; 30,8%; 36,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2020 là 2,27% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%; quý III là 2,29%), trong đó khu vực thành thị là 3,66%; khu vực nông thôn là 1,58%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng là 2,48% (quý I là 2,22%; quý II là 2,73%; quý III là 2,5%), trong đó khu vực thành thị là 3,88%; khu vực nông thôn là 1,75%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2020 ước tính là 7,07%, trong đó khu vực thành thị là 10,7%; khu vực nông thôn là 5,53%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,21%; quý II là 3,08%; quý III ước tính là 2,79%. Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,69%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,84%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,12%.

b) Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Đời sống dân cư 9 tháng năm 2020 tuy chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư cả nước vẫn giữ được ổn định. Trong tháng Chín và trong cả quý III năm nay không có địa phương nào phát sinh thiếu đói. Tính chung 9 tháng năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,5% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 9 tháng năm 2020 là hơn 9,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm hơn 3,5 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2,7 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và 3,2 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, có hơn 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.Tính đến ngày 15/9/2020, cả nước giải ngân được hơn 12,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

c) Tình hình dịch bệnh

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[16], 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ, Bra-xin, Nga, Cô-lôm-bi-a. Tại Việt Nam, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, các địa phương có ca nhiễm Covid-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Tính đến 6h00 ngày 28/9/2020, Việt Nam có 1.074 trường hợp mắc, 999 trường hợp đã được chữa khỏi (35 trường hợp tử vong), là ngày thứ 26 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuýp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

d) Tai nạn giao thông

Trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.980 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.374 vụ va chạm giao thông, làm 4.876 người chết, 3.127 người bị thương và 4.482 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng giảm 18,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 11%; số vụ va chạm giao thông giảm 26,6%); số người chết giảm 13,8%; số người bị thương giảm 13,9% và số người bị thương nhẹ giảm 25,1%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.

đ) Thiệt hại do thiên tai 

Thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng làm 96 người chết và mất tích; 292 người bị thương; 142,6 nghìn ha lúa và 67,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 849 con gia súc và 65,9 nghìn con gia cầm bị chết; 1.806 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; gần 101,2 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong 9 tháng ước tính 7,2 nghìn tỷ đồng, trong đó do xâm nhập mặn là 3,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 47% tổng giá trị thiệt hại.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong 9 tháng năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 10.715 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 9.658 vụ với tổng số tiền phạt 143,6 tỷ đồng và từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/9/2020 trên cả nước xảy ra 2.254 vụ cháy, nổ, làm 79 người chết và 131 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính là 416,2 tỷ đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc./.

[10] Số liệu tháng 9/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 27/9/2020 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Tổng cục Thống kê nhận được và cập nhật báo cáo vào chiều ngày 28/9/2020.

[11] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 đạt 382 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 194,6 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập khẩu đạt 187,4 tỷ USD, tăng 8,3%.

[12] Ước tính tháng Tám xuất siêu 3,5 tỷ USD.

[13] Trong đó, 9 tháng năm 2020 xuất siêu sang EU đạt 15,2 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 24,9 tỷ USD, giảm 7,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 18,3 tỷ USD, giảm 10,7%; nhập siêu từ ASEAN 4,8 tỷ USD, tăng 7,8%

[14] Tốc độ tăng CPI tháng Chín so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,54%; tăng 0,59%; tăng 0,59%; tăng 0,32%; tăng 0,12%. Tốc độ tăng CPI tháng Chín so với tháng 12 năm trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 3,14%; tăng 1,83%; tăng 3,2%; tăng 2,2%; tăng 0,01%.

[15] Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý III các năm 2011-2020 lần lượt là: 3,43%; 3,31%, 3,59%; 3,27%; 3,38%; 3,23%; 3,14%; 3,09%; 3,11%; 4,0%.

[16] Tính đến 6h00 ngày 28/9/2020, trên thế giới có 33.290,4 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (gần 1002 nghìn trường hợp tử vong).

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 1056
Thông báo