BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 28/01/2025
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý III và 9 tháng năm 2020 (phần 1)
Thứ Ba, 29/09/2020 09:29
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý III và 9 tháng năm 2020 (phần 1)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020.

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020[1]. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%. Về sử dụng GDP quý III năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,79%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,88%.

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020[2]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,65%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng 0,02% và 0,91% của 9 tháng năm 2016 và năm 2019 trong giai đoạn 2011-2020[3], đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,02% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,44%, cao hơn mức tăng 2,11% và 1,81% của 9 tháng  năm 2015 và 2016 trong giai đoạn 2011-2020[4], đóng góp 0,08 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020[5], đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020[6], đóng góp 1,02 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,35%, làm giảm 0,32 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%. Ngành xây dựng tăng 5,02%, cao hơn mức tăng trưởng âm 0,01% và 2,78% của 9 tháng năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2020[7], đóng góp 0,33 điểm phần trăm.

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020[8]. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 9 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 4%, làm giảm 0,14 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03%, làm giảm 0,76 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,73%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,06% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,21%; 33,97%; 42,75%; 10,07%).

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,86% so với cùng kỳ năm 2019; tích lũy tài sản tăng 3,39%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 0,9%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 1,25%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; dịch tả lợn châu Phi; dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để an sinh, an dân trong đại dịch.

a) Nông nghiệp

Diện tích gieo trồng lúa đông xuân cả nước đạt 3.024,1 nghìn ha, giảm 3,2% so với vụ đông xuân trước; năng suất đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 19,9 triệu tấn, giảm 593,5 nghìn tấn.

Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.512,6 nghìn ha, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.050,8 nghìn ha, bằng 98,1%, các địa phương phía Nam đạt 461,8 nghìn ha, bằng 95%. Diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay đạt thấp chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác, năng suất ước tính đạt 51,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.944,8 nghìn ha, giảm 64,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước. Tính đến ngày 15/9/2020, các địa phương đã thu hoạch được 1.618,7 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 83,2% diện tích gieo cấy và bằng 91,7% cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 55,7 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2019; sản lượng toàn vụ ước tính đạt 10,83 triệu tấn, giảm 119,3 nghìn tấn.

Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 590,1 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,1% cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ tiến độ sản xuất vụ hè thu muộn; nhiều diện tích không đủ thời vụ sản xuất nên người dân tạm cho đất nghỉ ngơi, mở ruộng đón phù sa chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới.

Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát. Ước tính tháng 9/2020 đàn lợn cả nước tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn trâu giảm 2,2%; đàn bò tăng 2,5%; đàn gia cầm tăng 5,7%. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2.483,1 nghìn tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (quý III đạt 846,2 nghìn tấn, tăng 9,7%); sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 69 nghìn tấn, tăng 1,8% (quý III đạt 20 nghìn tấn, tăng 3,5%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 272,6 nghìn tấn, tăng 5,7% (quý III đạt 85,1 nghìn tấn, tăng 9,6%); sản lượng sữa bò tươi đạt 799,2 nghìn tấn, tăng 9,9% (quý III đạt 277,1 nghìn tấn, tăng 13,6%); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.056,7 nghìn tấn, tăng 11,4% (quý III đạt 348,6 nghìn tấn, tăng 7,7%); sản lượng trứng gia cầm đạt 10,7 tỷ quả, tăng 10,8% (quý III đạt 3,5 tỷ quả, tăng 9,6%).

Tính đến ngày 23/9/2020, cả nước không còn dịch tai xanh. Một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương: Dịch cúm gia cầm ở Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Cà Mau; dịch lở mồm long móng ở Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Lắk, Đồng Nai và dịch tả lợn châu Phi còn ở 251 xã thuộc 92 huyện của 27 địa phương.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung quý III/2020 của cả nước ước tính đạt 63,2 nghìn ha, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22 triệu cây, tăng 0,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.529 nghìn m3, tăng 1,5%; sản lượng củi khai thác đạt 4,6 triệu ste, tăng 0,9%. Tính chung 9 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 169,5 nghìn ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 66,5 triệu cây, giảm 1,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12.050 nghìn m3, tăng 1,8%; sản lượng củi khai thác đạt 14,4 triệu ste, giảm 0,3%.

Diện tích rừng bị thiệt hại quý III/2020 là 356 ha, giảm 84,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, diện tích bị thiệt hại là 1.291 ha, giảm 60,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 603,7 ha, giảm 78,2%; diện tích rừng bị chặt, phá là 687,3 ha, tăng 45,1%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý III/2020 ước tính đạt 2.261,6 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.131,6 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.218 nghìn tấn, tăng 1,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.913,6 nghìn tấn, tăng 1,9%.

3. Sản xuất công nghiệp

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2020 chỉ đạt 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020. Tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 1,1%; quý III tăng 2,34%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,38%; quý III tăng 3,86%), đóng góp 1,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,35% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,32 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%)

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2020 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 17,2%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm nay khá cao với 75,6% (cùng kỳ năm trước là 72,1%).

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh đó tháng Chín năm nay trùng với tháng Bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên quy mô vốn đăng ký tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[9]

Trong tháng 9/2020, cả nước có 10,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83 nghìn lao động, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 19,7 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước và tăng 65,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 4.568 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 89,3% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.269 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 5,4% và tăng 114,9%; có 4.097 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 19,7% và tăng 50,8%; có 1.736 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 22,6% và tăng 14,1%; có 6.933 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 77% và tăng 59,1%.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777,9 nghìn lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.173,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 29,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.601,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 34,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với 9 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 27,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là gần 12,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,1%; số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là 36,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,6%.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020 cho thấy: Có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn quý II/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2020 so với quý III/2020, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

5. Hoạt động dịch vụ

Hoạt động thương mại và vận tải trong nước tháng Chín có những tín hiệu tích cực, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố đã mở cửa trở lại. Riêng khách quốc tế đến nước ta vẫn giảm do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2020 ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%).

Vận tải hành khách quý III năm nay ước tính đạt 815,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 35,8 tỷ lượt khách.km, giảm 42,1%. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 2.625,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,5%) và luân chuyển 119,4 tỷ lượt khách.km, giảm 35,2% (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%). Vận tải hàng hóa quý III năm nay ước tính đạt 454,2 triệu tấn hàng hóa, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 82,6 tỷ tấn.km, giảm 10,4%. Tính chung 9 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.264,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,9%) và luân chuyển 242,5 tỷ tấn.km, giảm 8,2% (cùng kỳ năm trước tăng 7,5%).

Doanh thu hoạt động viễn thông quý III/2020 ước tính đạt 91,9 nghìn tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,6%); ước tính 9 tháng năm 2020, doanh thu đạt 278,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,1%).

Khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng năm 2020 ước tính đạt 3.788,5 nghìn lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước.

[1] Tốc độ tăng GDP quý III các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,21%; 5,39%; 5,54%; 6,07%; 6,87%; 6,56%; 7,38%; 6,82%; 7,48%; 2,62%.

[2] Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,03%; 5,10%; 5,14%; 5,53%; 6,53%; 5,99%; 6,41%; 6,96%; 7,04%; 2,12%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 4,03%; 2,28%; 2,11%; 2,01%; 1,78%; 0,02%; 2,08%; 2,85%; 0,91%; 1,65%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành thủy sản 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 3,46%; 4,06%; 2,95%; 6,15%; 2,11%; 1,81%; 5,48%; 6,37%; 6,24%; 2,44%.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 9,54%; 8,50%; 4,80%; 5,58%; 9,86%; 7,40%; 6,95%; 8,99%; 9,61%; 2,69%.

[6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 13,48%; 8,74%; 6,58%; 7,09%; 10,15%; 11,20%; 12,77%; 12,95%; 11,48%; 4,60%.

[7] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành xây dựng 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là:
-0,01%; 2,78%; 5,31%; 6,61%; 9,0%; 9,10%; 8,30%; 8,76%; 8,33%; 5,02%.

[8] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 7,09%; 6,47%; 6,43%; 5,94%; 6,10%; 6,67%; 7,21%; 6,75%; 6,92%; 1,37%.

[9] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 1022
Thông báo