BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tin đầu tư
Vinacomin tính chuyện “moi than” ở nước ngoài
Thứ Hai, 27/10/2014 08:31
Vinacomin tính chuyện “moi than” ở nước ngoài

(Baodautu.vn) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang dự tính việc hợp tác để khai thác than ở nước ngoài.

Vinacomin đã bắt đầu nhập khẩu thử nghiệm than. Lô than 41.500 tấn từ Liên bang Nga cập cảng Quảng Ninh trong tháng 8 vừa qua, dù là chuyến than nhập khẩu thứ hai của Vinacomin, nhưng lại khá đặc biệt. Vào năm 2011, Vinacomin đã từng thí điểm nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam. So với mua và vận chuyển than từ Quảng Ninh vào Đồng Nai, thì nhập khẩu than từ Indonesia rẻ hơn khoảng 15 USD/tấn. Tuy nhiên, chuyến tàu 41.500 tấn than lại khác hẳn, bởi điểm bốc dỡ ở Quảng Ninh, vùng sản xuất than chính yếu của Vinacomin.

Dẫu đây là lô than đầu tiên có chất lượng cao, được nhập về để chế biến, cung cấp cho thị trường nội địa và là bước thử nghiệm để sẵn sàng đáp ứng một phần nhu cầu than cho điện khi cần, nhưng cũng mở ra cơ hội để dành tài nguyên than trong nước.

“Giá than nhập khẩu của một nhà máy nhiệt điện chạy than tại miền Nam hiện chỉ 70 USD/tấn (tương đương 1,47 triệu đồng), giảm mạnh so với trước đây”, một nguồn tin cho Báo Đầu tư biết. Còn với than trong nước, giá thành năm 2014 là 1,407 triệu đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin, giá thành khai thác của Vinacomin hiện thuộc nhóm trung bình, điều kiện khai thác khó khăn, nhưng than Antraxit của Việt Nam thuộc loại có giá trị cao. Vì thế, tuy hiệu quả kinh doanh giảm nhiều so với năm 2011, nhưng Vinacomin vẫn giữ được mức ổn định với chỉ số khả năng sinh lời, trả gốc và lãi vay (EBIDA) đạt 12-15 USD/tấn. Vinacomin được Tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế Standard & Poor xếp hạng B+ (ổn định), sau 2 công ty than lớn đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Trên thực tế, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế đã khiến nhu cầu năng lượng giảm. Ngành than cả thế giới với sản lượng khoảng 7 tỷ tấn/năm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, giá bán than giảm gần 30% so với năm 2011.

Than của Indonesia hiện có giá thành khoảng 40-50 USD/tấn, nhưng độ ẩm cao hơn than Việt Nam 20% nên giá bán trên thế giới cũng thấp hơn khoảng 10-15 USD/tấn. Nhiều mỏ than của Australia có giá thành trên 75 USD/tấn. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác tuy đã áp dụng công nghệ cao, mỏ ít người, nhưng sau nhiều năm khai thác cũng phải dừng, vì khi xuống sâu giá thành tăng lên 120 - 150 USD/tấn.

Nhu cầu thấp khiến giá than thế giới giảm mạnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hoạch định việc nhập khẩu than đã từng bị lỗi hẹn cách đây vài năm, đồng thời để dành được tài nguyên chất lượng tốt của Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi họp về nhập khẩu than hồi tháng 8/2014, than sản xuất trong nước được ưu tiên cung ứng cho các nhà máy điện gần mỏ than và các nhà máy điện khu vực miền Bắc. Than nhập khẩu chủ yếu cung ứng cho các nhà máy điện khu vực miền Nam và miền Trung.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than sớm ký hợp đồng nguyên tắc với Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc (2 đầu mối nhập khẩu than) về cung cấp than theo đúng quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó có nội dung về bảo đảm thực hiện hợp đồng, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối này tìm nguồn cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp.

Dẫu vậy, khí thế tự nhập than do giá rẻ đang dâng cao tại  nhiều doanh nghiệp. Ngày 3/10 vừa qua, Công ty Nhập khẩu và Phân phối than điện lực Dầu khí (PV Power Coal) đã ký hợp đồng khung mua bán than dài hạn với các đối tác Bukit Asam và Prima multi Minerals (Indonesia). Theo đó, PV Power Coal sẽ nhập khoảng 2 triệu tấn than/năm từ Bukit ASam và 1 triệu tấn/năm từ Prima multi Minerals với tổng nhu cầu than khoảng 10 triệu tấn/năm và đảm bảo nguồn than nhập khẩu trong vòng ít nhất 10 năm. PV Power Coal là thành viên cháu của PVN, nơi đang đầu tư các dự án nhiệt điện chạy than là Vũng Áng 1, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1.

“Hiện Vinacomin đã ký hợp đồng mua bán than với các dự án nhiệt điện Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4 của EVN để nhập khẩu khẩu 5 triệu tấn than/năm. Tập đoàn cũng tiếp tục đàm phán với các chủ đầu tư khác để ký hợp đồng cấp than nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Biên cho hay và nhấn mạnh, Vinacomin sẽ đảm bảo cấp đúng tiến độ và nguồn than đã cam kết với các chủ đầu tư. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu than cho điện tăng cao, đặc biệt là từ năm 2018 trở đi, Vinacomin cũng đang tính phương án hợp tác để khai thác than ở nước ngoài, bên cạnh việc nhập khẩu theo các hợp đồng thương mại đơn thuần.


Số lượt đọc: 1306
Thông báo