BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 27/12/2024
Báo cáo theo địa phương
Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Thứ Ba, 18/01/2022 10:46
Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn hơn 5,1 tỷ USD.

Dẫn đầu về thu hút dòng vốn từ nước ngoài

Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng đạt 5,149 tỷ USD, cao nhất cả nước, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước (thu hút FDI năm 2020 là 1,531 tỷ USD).

Trong đó, Hải Phòng thu hút được 29 dự án FDI mới với số vốn 327,45 triệu USD; 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là gần 2,63 tỷ USD (riêng dự án của LG Display Hải Phòng đã có 2 lần điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn điều chỉnh là 2,15 tỷ USD). Hai dự án đầu tư gián tiếp thông qua việc góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã có tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,2 tỷ USD.

Riêng dự án của LG Display Hải Phòng đã có 2 lần điều chỉnh tăng vốn trong năm 2021, với tổng vốn điều chỉnh là 2,15 tỷ USD. Ảnh: Thanh Sơn.

Hiện tại, lũy kế đến 31/12/2021, các khu công nghiệp (KCN) của Hải Phòng đã thu hút được 420 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 19,135 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 30/12/2021, các KCN, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đã thu hút 420 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 19,134 tỷ USD.

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA), thì thành phố đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, trong đó lớn nhất là Tập đoàn LG với việc hình thành tổ hợp công nghệ cao của tập đoàn này tại KCN Tràng Duệ.

Một điểm nhấn khác trong thu hút đầu tư của Hải Phòng không chỉ đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài khủng, mà còn từ việc dự án hạ tầng KCN mới đầu tiên trong số 15 dự án được lên kế hoạch phát triển đến năm 2025 đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể, cuối năm 2021 (7/12/2021), HEZA đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Khu phi thuế quan – Logistics và công nghiệp Lạch Huyện có tổng vốn 11.100 tỷ đồng cho Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện.

Dự án này có quy mô 752 ha được thực hiện tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2022, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025; Giai đoạn 2 vào năm 2030 và giai đoạn 3 vào năm 2033. Khi dự án được đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 40.000 – 50.000 lao động.

Ông Tô Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện cho biết, với gần 6km chiều dài tiếp giáp hệ thống cảng Lạch Huyện, Khu phi thuế quan – Logistics và Công nghiệp Lạch Huyện có vị trí thuận lợi để phát triển tối đa lợi thế từ việc áp dụng quy chế Khu Phi thuế quan để thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp Logistics sẽ được áp dụng quy chế như đối với các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho CFS, ICD...; các doanh nghiệp sản xuất được áp dụng quy chế như doanh nghiệp chế xuất...

Năm 2022, HEZA phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 2,5 đến 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và ngay trong những ngày đầu của tháng 1, HEZA đã đồng ý để một tập đoàn đầu tư đến từ Trung Quốc đầu tư 35 triệu USD xây dựng kho bãi phục vụ hoạt động thương mại điện tử toàn cầu giống như mô hình của Alibaba. Cũng trong thời điểm này, HEZA đã từ chối một dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD do công ty này sử dụng nguyên liệu không thân thiện với môi trường.

Chăm lo đời sống người lao động để tăng sức cạnh tranh

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết của Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thành phố năm 2022 mới diễn ra, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho rằng, thời gian tới, công tác thu hút vốn FDI của thành phố sẽ gặp nhiều thách thức như lợi thế cạnh tranh của các tỉnh, thành phố khác có nhiều tương đồng về vị thế và môi trường đầu tư kinh doanh với Hải Phòng.

Do đó, để tiếp tục duy trì kết quả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Quang yêu cầu phải tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các khu công nghiệp. Theo tính toán, trong nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hải Phòng sẽ cần từ 190.000 đến 200.000 lao động đến từ các địa phương khác.

Mô hình nhà ở nhà ở cho người lao động của 2 nhà đầu tư Pegatron và USI. Nguồn ảnh: DEEP C.

Vậy nên, Hải Phòng cần phải đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở xã hội, phát triển y tế, trường học khu vực này để đáp ứng nhu cầu của người lao động đến và gắn bó với thành phố. Các đơn vị liên quan cần nỗ lực cải cách hành chính hơn nữa để có lợi thế cạnh tranh.

Theo thông tin từ Khu công nghiệp DEEP C (DEEP C), trong thời gian tới, số lượng người lao động tại các khu công nghiệp của DEEPC tại Hải Phòng cần bố trí nơi ở, ký túc xá là 30.000 – 40.000 lao động. Riêng đối với dự án Pegatron và USI, trong thời năm tới cần bố trí chỗ ở cho hơn 10.000 lao động làm việc tại Hải Phòng.

Nhằm đảm bảo môi trường sinh hoạt và làm việc ổn định cho người lao động, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, DEEP C đã đề xuất và được UBND thành phố, Ban quản lý Khu Kinh tế giao khảo sát, nghiên cứu lập Qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án Khu nhà ở xã hội và ký túc xá dành cho người lao động với qui mô 47,62 ha tại khu vực đầu đảo Đình Vũ, tiếp giáp KCN DEEP C Hải Phòng I (KCN Đình Vũ).

Hiện tại, nhà đầu tư này đang chờ ý kiến chấp thuận của UBND thành phố, sau đó sẽ nhanh chóng hoàn tất đồ án Qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu nhà ở công nhân và Nhà ở xã hội, triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động, trước mắt là các dự án của 2 nhà đầu tư Pegatron và USI.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 3359
Thông báo