Trên địa bàn Hà Nội có một số các dự án lớn như dự án Công ty TNHH phát triển khu phố mới Nam Thăng Long của Development Planning Investment Pte. Ldt với tổng vốn đăng ký là 1,96 tỷ USD; dự án thành lập Công ty cổ phần viễn thông di động toàn cầu của Ararima Enterprise Limited với tổng vốn đăng ký là 1,8 tỷ USD; Dự án xây dựng công viên Yên Sở của Gamula, Malaysia với tổng vốn đăng ký là 864 triệu USD.
Phân theo ngành: Trên địa bàn Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung nhiều vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, thông tin truyền thông.
Với 100 dự án (chỉ chiếm 4,93% số dự án) nhưng do quy mô dự án lớn nên lĩnh vực kinh doanh bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,64 tỷ USD (chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký trên địa bàn). Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 672 dự án, vốn đăng ký đạt 5,14 tỷ USD (chiếm 22,42% tổng vốn đăng ký). Lĩnh vực Xây dựng, dịch vụ lưu trú ăn uống đứng thứ 3 và thứ 4 với vốn đăng ký xấp xỉ bằng nhau và đạt gần 4 tỷ USD.
Phân theo hình thức đầu tư:
Trên địa bàn Hà Nội, số dự án FDI theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ nhiều nhất (chiếm 64,42% số dự án), tuy nhiên tổng vốn đăng ký của các dự án này chỉ đứng thứ 2 với 10,2 tỷ USD. Hình thức liên doanh chỉ có 606 dự án (chiếm 29,87% số dự án) song vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 10,38 tỷ USD. Số còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và công ty cổ phần.
Phân theo đối tác đầu tư:
Đã có 61 Quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Hà Nội, trong đó dẫn đầu là Hàn Quốc với 461 dự án và tổng vốn đầu tư là 4,7 tỷ USD, chiếm 22,72% số dự án và 20,5 % tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là Singapore có tổng vốn đầu tư là 4,36 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn đăng ký.