Theo Sở KH-ĐT, đến nay các doanh nghiệp (DN) FDI đã đầu tư vào tỉnh hơn 33 tỷ USD, chủ yếu trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, nhiều DN FDI rất quan tâm đến kinh tế xanh và có sự chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững.
* Bắt đầu từ công nghệ
Khoảng 5 năm trở lại đây, các DN FDI trên địa bàn Đồng Nai có sự chuyển đổi về công nghệ khá nhanh, đem lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể, chất lượng, số lượng hàng hóa được nâng lên, giảm lao động, giảm ô nhiễm môi trường phù hợp với yêu cầu của những nhãn hàng lớn trên thế giới. Do đó, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng DN Đồng Nai vẫn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài.
Trong gần 6 tháng đầu năm, các DN Đồng Nai đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại để thay thế, lắp ráp dây chuyền sản xuất mới.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho những dòng ô tô, xe máy cao cấp nên sử dụng công nghệ 4.0 ở nhiều khâu trong sản xuất hàng hóa. Mục tiêu của công ty là sẽ phát triển bền vững tại Việt Nam, tiếp tục mở rộng đầu tư vào các dây chuyền sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm mới chất lượng cao”.
Những năm gần đây, các nhà máy mới của DN FDI tại Đồng Nai hầu hết đều ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới như: Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Meggitt Việt Nam, Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam, Công ty TNHH Alltech Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam Kaneko, Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam…
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất của DN FDI vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên những dự án công nghệ cao, ít gây ô nhiễm để góp phần giúp công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững”.
* Tiến đến nền công nghiệp xanh
Hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia đều đưa ra cam kết sẽ sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người tiêu dùng. Các DN FDI cũng yêu cầu DN cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình phải có lộ trình chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khi hậu hướng tới chuyển đổi xanh trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Vũ Quỳnh Nhi cho biết: “Thời gian qua, công ty liên tục đầu tư ứng dụng máy móc, công nghệ tiên tiến vào nhiều khâu sản xuất nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao. Vì thế, 100% sản phẩm của công ty xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và năm 2021, sản xuất và doanh thu tăng khoảng 40%. Hiện công ty đang hoàn tất thủ tục đầu tư thêm nhà máy mới ứng dụng công nghệ cao vào để sản xuất và xuất khẩu”.
Theo bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam, dòng vốn FDI chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong xanh hóa nền kinh tế của nước ta. Các DN Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI buộc phải chuyển qua sản xuất an toàn, sản xuất bền vững. Chuyển hướng sang kinh tế xanh, DN sẽ vượt qua được sức ép từ thị trường xuất nhập khẩu và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh cũng giúp cho sản phẩm của DN chuyển lên phân khúc giá cao hơn và không bị tụt lại trong tham gia vào sân chơi chung toàn cầu.
Đồng Nai đi trước cả nước khoảng 8 năm trong việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên có được nhiều dự án chất lượng cao trên lĩnh vực công nghiệp. Hàng hóa của DN trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ và có hàng trăm DN xuất khẩu sản phẩm vào những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Theo Sở KH-ĐT, đến nay Đồng Nai đã thu hút được 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản. Các DN FDI đầu tư vào tỉnh đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.