BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Miền Trung
Thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Đà Nẵng và Thái Lan
Thứ Năm, 16/12/2021 04:11
Thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Đà Nẵng và Thái Lan

Đà Nẵng xác định Thái Lan là thị trường nhiều tiềm năng với các đối tác có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực trọng điểm Thành phố đang kêu gọi đầu tư.

Sáng 14/12, Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TPHCM và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan TP. Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế về tăng cường hữu nghị và kết nối thương mại - đầu tư - du lịch Đà Nẵng - Thái Lan.

Ông Nguyễn Viết Loan, Tổng Thư ký Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan cho biết, Thái Lan hiện là một trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch lên 20 tỷ USD/ năm. Giá trị thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong năm 2020 đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm gần 20% tống kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến tháng 10 năm 2021, Thái Lan là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của Việt Nam với 639 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12 tỷ USD.

Về mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng - Thái Lan, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác Thái Lan phát triển tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, giao lưu văn hóa. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và Cảng Tiên Sa là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác Thái Lan có nhiều cơ hội phát triển và đem lại lợi ích cho các bên có liên quan.

Theo Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, trong hợp tác thương mại, hiện Đà Nẵng có gần 20 doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh thương mại trực tiếp với Thái Lan, trao đổi thương mại giữa Đà Nẵng và Thái Lan được duy trì khá ổn định với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt giá trị trung bình gần 45 triệu USD/năm giai đoạn 2018 - 2020. Tính riêng khu vực ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan năm 2018 là 4,5 triệu; năm 2019 là 4,7 triệu, năm 2020 là 4,5 triệu USD. Nhập khẩu từ Thái Lan năm 2018: 40 triệu; năm 2019: 42 triệu và năm 2020 là 38,5 triệu USD.

Chia sẻ về một số khó khăn khi phát triển hợp tác và thúc đẩy đầu tư từ thị trường Thái Lan trong bối cảnh hiện nay, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết: “Việc tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức kinh tế lớn, nhà đầu tư tiềm năng còn nhiều hạn chế do chưa thiết lập được mạng lưới đối tác có chiều sâu. Việc cách ly, giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến các hoạt động đoàn ra, tổ chức sự kiện quảng bá, gặp gỡ doanh nghiệp, khảo sát thực địa và triển khai các thủ tục đầu tư dự án. Tuy nhiên, Đà Nẵng xác định Thái Lan là thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng với các đối tác có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực trọng điểm Thành phố đang kêu gọi đầu tư”.

Đặc biệt, về du lịch, sắp tới, khi COVID-19 dần được kiểm soát, Thái Lan vẫn là thị trường chính trong kế hoạch khôi phục và tăng cường trao đổi du khách của Đà Nẵng. Trong đó, các phân khúc mục tiêu được xác định bao gồm du lịch công vụ MICE,  du lịch nghỉ dưỡng và golf.

Ông Apirat Sugondhabhirom, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TPHCM khẳng định, đối với TP. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Việt Nam, Hành lang kinh tế Đông Tây xem là tuyến đường chiến lược kết nối TP. Đà Nẵng với Thái Lan qua nước CHDCND Lào. Trước khi COVID-19 bùng phát, đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và du lịch cho cả 3 quốc gia và sự kết nối hành lang kinh tế này còn góp phần giúp phục hồi các hoạt động kinh tế trong khu vực thời kỳ hậu COVID-19.

Trước những thách thức mà đại dịch COVID-19 mang lại, ông Apirat Sugondhabhirom nhấn mạnh: “Trong thời kỳ “bình thường mới”, Thái Lan và Việt Nam, cùng với 8 quốc gia thành viên của  ASEAN và các đối tác bên ngoài của chúng ta cần phải hợp tác để ứng phó hiệu quả với COVID-19 và các tác động sâu rộng của nó, thông qua việc thực hiện các sáng kiến ứng phó COVID-19 của ASEAN, đồng thời cùng phối hợp để khôi phục chuỗi cung ứng và tìm kiếm cơ hội mới từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự chuyển đổi sang thời đại kỹ thuật số”.

“Để có thể chiến thắng tất cả các thách thức cũng như tìm kiếm các cơ hội trong tương lai, Thái Lan và Việt Nam cần phải trang bị và trau dồi các kỹ năng cần thiết cho người dân để sẵn sàng bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Học sinh, sinh viên, tầng lớp thanh thiếu niên được xem là nguồn lực quan trọng của xã hội. Vì vậy mà cả hai quốc gia cần phải hỗ trợ, quan tâm và phát triển nguồn nhân lực này, xây dựng tình hữu nghị bền vững, lâu dài thông qua sự hợp tác và các hoạt động giao lưu thanh niên, tạo dựng mạng lưới cũng như tận dụng lợi ích từ mạng xã hội online nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, sự hiểu biết cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm mới cho thanh niên”, ông Apirat Sugondhabhirom chia sẻ.

Theo baochinhphu.vn
Số lượt đọc: 2044
Thông báo