BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Văn bản pháp quy
Vai trò tiên phong của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đổi mới tư duy, hành động có hiệu quả
Thứ Sáu, 10/01/2020 04:40
Vai trò  tiên phong của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đổi mới tư duy, hành động có hiệu quả

Ngày 9/1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ với chủ đề Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả. Bộ KH&ĐT là bộ đầu tiên tổ chức triển khai 2 nghị quyết quan trọng này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị Bên cạnh đó, ngoài sự chủ trì của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tại Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số cơ quan Đảng, Quốc hội; Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan Trung ương, lãnh đạo UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra còn có đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục thống kê các địa phương… và hơn 900 đại biểu tại 63 điểm cầu các địa phương.

Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tư duy đổi mới của Bộ KH&ĐT với tinh thần tích cực và các hành động của Chính phủ đã được Bộ vận dụng, lan tỏa tốt trong các công việc của mình.

Thủ tướng điểm lại một số nét nổi bật của nền kinh tế như hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt kỷ lục. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong khi môi trường kinh doanh quốc tế phức tạp, khó lường thì không dễ dàng khi đạt được kết như vậy. Đạt được điều này là nhờ chính sách đúng đắn, sáng tạo, kiên định trong điều hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh, hướng vào sản xuất kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực để phát triển và có chính sách tiền tệ đúng hướng, linh hoạt. Việt Nam không chỉ tăng trưởng thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới mà đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, thể thao, văn hóa đạt nhiều kết quả, nhất là đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Tăng trưởng kinh tế toàn diện cả về cung và cầu. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng. Chất lượng tăng trưởng tốt hơn, năng suất lao động tăng, cơ cấu kinh tế tốt, thu ngân sách vượt, nhất là thu ngân sách Trung ương và đây là lần đầu tiên 100% địa phương đều vượt thu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ của Việt Nam tăng lên trong năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, doanh nghiệp FDI giải ngân trên 20 tỷ đô la. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 34%... Đây là những tiền đề quan trọng để bước vào năm 2020. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng - ninh của đất nước, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung và Bộ KH&ĐT nói riêng đã có những đóng góp quan trọng thiết thực. Toàn Ngành đã vượt lên chính mình, tiên phong đổi mới tư duy và hành động có hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT là Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Bộ có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”. Để thực hiện các nội dung công việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và dành nhiều tâm huyết. Bộ đã triển khai khối lượng công việc, đề án rất lớn, đạt chất lượng cao, tiến độ đề ra và đạt tỷ lệ 100%. Công tác cán bộ, chuyển giao lãnh đạo cán bộ chủ chốt nắm bắt nhiệm vụ nhanh, hoàn thành khối lượng công việc lớn.

Bộ đã cố gắng tập trung xây dựng thể chế chính sách quản lý đầu tư công, trình Quốc hội nhiều dự án Luật, nhất là Luật đầu tư công (sửa đổi). Đây là bước đột phá. Bộ đã có những đóng góp tích cực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ đã rất công phu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật quy hoạch, đây là Luật khó, nhiều vấn đề phức tạp để đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời, chủ động trong việc xây dựng Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Trong xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Bộ đã có nhiều tham mưu quan trọng như xây dựng Đề án Kinh tế chia sẻ, tổ chức thành công Quỹ đầu tư khởi nghiệp, tích cực xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở trong và ngoài nước. Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm Điều hành, hội nghị thu hút nhân tài… Bộ đã tổ chức lấy ý kiến khách quan, khoa học của các cán bộ lão thành Cách mạng, các chuyên gia trong và ngoài nước về xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ có rất nhiều thành công, nhiều tiến bộ về đổi mới tư duy, sáng tạo và hành động. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tập thể đoàn kết, thống nhất, đóng góp nhiều cho nền kinh tế.

Với vai trò Thường trực Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, với khối lượng công việc rất lớn nhưng vẫn đảm bảo giải ngân 100% số kinh phí đã bố trí cho các chương trình, dự án. Bộ đã đảm nhận và hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ. Cùng với cả nước, năm 2019 Bộ đã đạt những kết quả tốt hơn so với năm 2018, đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chia vui và đặc biệt biểu dương những kết quả quan trọng ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cũng như Bộ KH&ĐT đạt được. Đồng thời bày tỏ tán thành với chủ đề Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả để triển khai công tác trong năm 2020. Thủ tướng cũng biểu dương các địa phương đã có những hoạt động rất mạnh mẽ trong việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực. Đây chính là tham mưu của Bộ KH&ĐT mà cụ thể là các Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương.

Với phương châm “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, đổi mới và hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và những định hướng nêu trên, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 6/1/2020, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, trách nhiệm đơn vị chủ trì và chế độ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm đúng tiến độ với chất lượng tốt.

Vai trò quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài

Bên cạnh những thành quả quan trọng trên, vai trò của Bộ KH&ĐT trong việc góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được đánh giá cao. Theo đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam hiện được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia thăng hạng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã góp phần lập nên một kỷ lục mới, khi các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 38 tỷ đô la Mỹ, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó trên 20 tỷ đô la đã được giải ngân.

Vừa qua, gần 3 nghìn doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, gấp 3 lần so với dự kiến đã cho thấy niềm tin của giới doanh nhân trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

Tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển

Để tháo gỡ hơn những nút thắt còn tồn tại, nhất là những vấn đề mới phát sinh, Thủ tướng đề nghị, đối với việc triển khai về đầu tư công còn vướng mắc về thể chế và tổ chức thực hiện, có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao nhưng cũng có nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp. Do vậy, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục có những tham mưu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, lập kế hoạch, quản lý đầu tư công; Quản lý đấu thầu; hợp tác xã; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công nghiệp công lập; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Đối thoại Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp còn phàn nàn về thủ tục hành chính thuế, tiếp cận vốn… Doanh nghiệp chính là động lực tăng trưởng, do vậy, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục tìm hiểu kịp thời các giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Xây dựng lộ trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng thịnh vượng vào năm 2045 là một thực tế, không phải là khát vọng viển vông. Do vậy, Bộ KH&ĐT cần là cơ quan tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực.

Trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng. Thủ tướng đặt vấn đề, cần làm gì để tận dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.

Mặc dù nhiều nút thắt được tháo gỡ, một số động lực đã được khơi thông nhưng nhìn chung, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông. Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. Cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chủ trương lớn…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc đến khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường như là mục tiêu hướng đến trong các hoạt động của Bộ thời gian qua và định hướng sắp tới. Bộ trưởng chia sẻ, cùng với chặng đường phát triển đất nước trở nên cường thịnh, sứ mệnh, trọng trách tiếp tục đặt lên vai những người làm KH&ĐT, đòi hỏi toàn ngành phải nâng mình lên một tầm cao mới. Mỗi cán bộ phải trang bị cho mình một tư duy đột phá, một tầm nhìn chiến lược; không ngừng đổi mới và cải cách; đủ sức tiếp nhận những thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, cùng phương châm hành động xuyên suốt là lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu và là thước đo cao nhất.

Xung phong, đi đầu giải các bài toán lớn và khó

Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&ĐT đóng vai trò như một nhà toán học, Bộ phải xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng Thủ tướng nhấn mạnh rằng, tuyệt đối không được tự mãn, lơ là, chủ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2020 sớm về đích, làm sao để có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương để nhanh chóng đưa Nghị quyết 01, 02 và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020. Đây là nhiệm vụ lớn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và hệ thống ngành Kế hoạch, Đầu tư, Thống kê nghiên cứu xem cần có các chính sách có tính đột phá lớn như thế nào để Việt Nam tăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh…Đồng thời, đề nghị Bộ KH&ĐT cần tổ chức nghiên cứu xây dựng, đề xuất thể chế thực sự đột phá cho liên kết vùng về cả cơ chế tổ chức, tài chính, ngân sách, quản trị, con người. Làm thế nào để các vùng không bị cát cứ, lên kế hoạch tái đào tạo đội ngũ cán bộ ngay cả trong Bộ mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cùng với đó, cần nghiên cứu thúc đẩy việc lồng ghép có hiệu quả hơn nữa 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào Chiến lược quốc gia của các địa phương để sự phát triển của Việt Nam không lạc nhịp với xu hướng của thế giới.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Trung tâm Điều hành của Bộ KH&ĐT. Trung tâm được xây dựng trên nền tảng công cụ tiện ích phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, trong đó hệ thống phần mềm thông minh được coi là hạt nhân. Việc xây dựng Trung tâm sẽ mang lại hiệu quả như tái hiện toàn bộ hoạt động của tổ chức từ tổng quát đến chi tiết theo thời gian thực thông qua số liệu, từ đó hỗ trợ cho lãnh đạo chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời. Cung cấp các công cụ tổng hợp, phân tích, dự báo, báo cáo, từ đó đưa ra bức tranh toàn cảnh các kịch bản trong công tác quản lý điều hành nghiệp vụ. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của Ngành đầy đủ, tập trung với mức độ số hóa cao. Kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các cấp trong Ngành với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương thông qua nền tảng tích hợp dịch vụ quốc gia. Hỗ trợ xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển Ngành, kinh tế - xã hội cả nước trung và dài hạn một cách bền vững. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Ngành chủ động nắm bắt cơ hội trong việc triển khai các công việc phù hợp với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra những đóng góp to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Năm 2019, Bộ KH&ĐT cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, tạo lập môi trường hành chính hiện đại, minh bạch, công bằng và tiết kiệm chi phí cho người dân. Với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2019 đã có trên 182 triệu lượt truy cập, tăng 1,22 lần so với năm 2018. Còn Chỉ số Gia nhập thị trường nhận được sự hài lòng nhất của doanh nghiệp trong 14 năm liên tiếp, từ năm 2005 đến nay.  Trong 10.500 nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng giao cho các Bộ và địa phương, Bộ Bộ KH&ĐT được giao và đã hoàn thành 650 nhiệm vụ, chiếm 6,2%. Với 513 đề án lớn năm 2019 của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã được giao tổ chức triển khai và hoàn thành 53 đề án, đạt tỷ lệ hoàn thành 100%, chiếm hơn 1/10 tổng số đề án.

Trong 12 hội nghị toàn quốc được tổ chức trong năm 2019, Bộ KH&ĐT tổ chức 7 hội nghị (5 hội nghị đã tổ chức năm 2019, 2 hội nghị sẽ tổ chức đầu quý I năm 2020), trong đó có Diễn đàn bền vững Việt Nam 2019; Hội nghị Cải thiện năng suất lao động Quốc gia; Diễn đàn kinh tế hợp tác và hợp tác xã năm 2019; Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019; Chuỗi Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công, phát triển vùng kinh tế trọng điểm và đồng bằng Sông Cửu Long, cùng với chuỗi Hội thảo góp ý sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp và tham vấn mô hình đầu tư theo phương thức công - tư.

Qua 44 sự kiện tầm quốc gia do Bộ KH&ĐT tổ chức trong năm 2019 đã góp phần từng bước xác định rõ các nguồn lực của đất nước, đồng thời gợi mở các giải pháp hiệu quả để nền kinh tế Việt Nam có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và bẫy rác thải công nghệ.

Với quan điểm: “Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách của Chính phủ hướng tới hạnh phúc của người dân”, 2 năm qua, Bộ KH&ĐT đã triển khai Chương trình vì sự Phát triển cộng đồng hướng tới những giá trị nhân văn và tử tế. Thông qua Sáng kiến Cây gậy trắng cho 1 triệu người mù Việt Nam, được phát động vào đầu tháng 12 vừa qua, Bộ KH&ĐT mong muốn, những sự kiện thấm đượm nhân văn này sẽ lay động trái tim của những người tham gia hoạch định, tham mưu và quyết định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xây dựng xã hội ngày càng công bằng, văn minh và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Là cơ quan giúp việc, thường trực và Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, trong suốt gần một năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan chủ chốt xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và dự thảo Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để đất nước có được thành tựu toàn diện trong năm thứ 2 liên tiếp, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, ngay từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Theo Bộ KH&ĐT, mức tăng trưởng GDP trên 7% trong hai năm vừa qua đã củng cố niềm tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao sau 5 năm nữa. Mục tiêu này đang thôi thúc mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược đề ra các giải pháp hiệu quả trên hành trình hiện thực hóa các mục tiêu trong tầm nhìn 2030 và tầm nhìn 2045.

BK    
Số lượt đọc: 2917
Thông báo