BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Văn bản pháp quy
Lần đầu tiên có Nghị định quy định về chống chuyển giá
Thứ Ba, 25/10/2016 08:28
Lần đầu tiên có Nghị định quy định về chống chuyển giá

Bộ Tài chính lần đầu tiên đề xuất một văn bản mang tầm nghị định để quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, do Bộ chủ trì xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP.

Bộ Tài chính 'bắt tay' với các bộ, ngành chống chuyển giá

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc phân tích so sánh, các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết.

Theo đó, các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này bao gồm các giao dịch phát sinh trong các mối quan hệ thương mại, kinh tế, tài chính giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Các giao dịch bao gồm: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ (gồm dịch vụ nội bộ tập đoàn; dịch vụ tài chính như vay, cho vay, vay giáp lưng và các công cụ tài chính khác) và tài sản (tài sản hữu hình, tài sản vô hình) hoặc sử dụng chung nguồn lực (hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; hợp lực tập đoàn) phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh giữa người nộp thuế tại Việt Nam với các bên liên kết liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá tại Luật Giá.

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra 420 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết trong năm 2015, cơ quan Thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 4.895,16 tỷ đồng; giảm lỗ 3.104,11 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206,81 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801,7 tỷ đồng.

Thanh tra, kiểm tra xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết với kết quả truy thu trong thanh tra, kiểm tra đã tạo ra hiệu ứng mạnh, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ giảm đi rõ rệt.

Khi  giao dịch thuộc phạm vi áp dụng Nghị định này, cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giao dịch liên kết của người nộp thuế trên cơ sở nguyên tắc so sánh với các 'giao dịch độc lập' tương đồng và nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” để không công nhận các giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách.   

Đối tượng áp dụng quy định tại dự thảo Nghị định gồm tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, thực hiện các giao dịch kinh doanh với các bên liên kết.  

Dự thảo Nghị định cũng quy định đối tượng là cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng quy định về quản lý giá chuyển nhượng trong quản lý thuế.

Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan bộ, ngành trong công tác quản lý giá chuyển nhượng. Trong đó, các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin, hướng dẫn các quy định về quản lý phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng.

Trong đó, ngoài Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá chuyển nhượng của các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Nghị định; Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về các giao dịch tiền tệ của doanh nghiệp có quan hệ liên kết với các đối tác nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan thuế. Các nội dung cần chia sẻ là thông tin về chủ tài khoản, nội dung giao dịch, người liên quan.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiệm vụ cung cấp số liệu về các khoản vay của doanh nghiệp Việt Nam với các công ty nước ngoài là các công ty có giao dịch liên kết và các công ty có liên quan khi được yêu cầu. Đó là dữ liệu về giá trị khoản vay, hạn mức khoản vay, lãi suất, thời hạn trả lãi, trả gốc, thực tế giải ngân, lãi vay đã trả và các thông tin liên quan khác.

Tương tự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nghĩa vụ cung cấp, trao đổi các thông tin liên quan đối với các dự án đầu tư khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra xác định có dấu hiệu sử dụng giá chuyển nhượng trong quan hệ liên kết để tránh thuế.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng quy định về chuyển giao công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.  

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động nhượng quyền thương mại, cơ sở dữ liệu về giá giao dịch của các hàng hóa trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Đồng thời thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng của cơ quan thuế... 

Áp dụng nhiều biện pháp mạnh ngăn ngừa lợi dụng chuyển giá để trốn thuế

Đây là lần đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất một văn bản mang tầm nghị định để quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trước đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài,

Trong đó về thể chế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết; Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng chuyển giá, tránh thuế TNDN, nhưng đồng thời vẫn tạo sự chủ động cho doanh nghiệp FDI trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Về tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thành lập 4 Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc 4 Cục Thuế (TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương) có số lượng lớn các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên phát sinh các giao dịch liên kết và 1 Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá cũng đã từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác thanh tra giá chuyển nhượng đối với các ngành nghề có rủi ro cao về thuế TNDN như sản xuất sợi, dệt vải; may mặc; giày, dép; đồ uống,...

Đồng thời, công tác thanh tra giá chuyển nhượng cũng đã đạt kết quả nhất định, một số doanh nghiệp sau thanh tra giá chuyển nhượng đã điều chỉnh giảm lỗ và truy thu thuế TNDN tương đối lớn.

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra 420 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết trong năm 2015, cơ quan Thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 4.895,16 tỷ đồng; giảm lỗ 3.104,11 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206,81 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801,7 tỷ đồng.

Thanh tra, kiểm tra xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết với kết quả truy thu trong thanh tra, kiểm tra đã tạo ra hiệu ứng mạnh, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ giảm đi rõ rệt.

Bộ Tài chính cho biết tới đây, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế ngăn ngừa việc lợi dụng tình trạng chuyển giá để trốn thuế.

Ngoài việc lấy ý kiến và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước như trên, toàn ngành sẽ tập trung đào tạo kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá về kỹ năng quản lý giá chuyển nhượng, kỹ thuật thanh tra giá chuyển nhượng, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, trau dồi kỹ năng tin học, ngoại ngữ.

Việc xây dựng và hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành nghề có rủi ro cao về giá chuyển nhượng cũng sẽ được triển khai tích cực hơn nhằm tạo cơ sở chung cho việc phân tích rủi ro phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động chuyển giá, trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên; các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm chưa được thanh tra kiểm tra, đang được hưởng ưu đãi về thuế.., các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

Đặc biệt việc trao đổi thông tin sẽ được tăng cường, không chỉ giữa cơ quan Thuế và các tổ chức nước ngoài phục vụ cho phân tích rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng; đàm phán với cơ quan thuế nước ngoài có liên quan; mà còn với các ngành để xác định giá trị máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu tại khâu nhập khẩu, ngăn chặn các doanh nghiệp khai báo cao giá nhập khẩu với mục đích tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận gây thất thu NSNN.

Số lượt đọc: 3982
Thông báo