BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Quốc gia
Kỳ vọng một làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc
Thứ Hai, 11/05/2015 05:41
Kỳ vọng một làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc

Vượt qua nhiều quốc gia và lãnh thổ khác, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam trong bốn tháng qua, đạt 909 triệu đô la Mỹ. Nhưng, với việc hai nước vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, các chuyên gia đánh giá, khả năng sẽ có một làn sóng lớn hơn nữa nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới

Hiệu ứng lan tỏa từ các tập đoàn

Ngày 6-5, tập đoàn Hyosung đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất sợi công nghiệp các loại ở Đồng Nai có vốn đầu tư 660 triệu đô la Mỹ. Dù dự án này thực hiện qua công ty con ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Hyosung là tập đoàn của Hàn Quốc đã có hai dự án đầu tư ở Đồng Nai với vốn đầu tư lên đến 995 triệu đô la Mỹ trong nhiều năm qua. Đây là dự án FDI có vốn lớn nhất đầu tư vào Việt Nam trong bốn tháng qua.

Nhưng không chỉ có Hyosung mở rộng đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn khác đến từ xứ sở kim chi đã có mặt ở Việt Nam nhiều năm qua như Lotte, Samsung, Kumho, Taekwang… cũng đang tăng cường mở rộng đầu tư. Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin gần đây cho biết Lotte đang đẩy nhanh các thủ tục để phát triển dự án khu phức hợp thông minh có vốn đầu tư đến 2 tỉ đô la Mỹ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM; đồng thời tìm cơ hội đầu tư vào các dự án khác ở Việt Nam.

Theo ông Bin, đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Lotte ra nước ngoài dù năm ngoái công ty đã mua lại đến 70% vốn của tòa nhà Diamond Plaza và khách sạn Legend Saigon Hotel ở TPHCM cùng với việc đưa vào khai thác tòa nhà khách sạn, văn phòng, trung tâm mua sắm cao 65 tầng ở Hà Nội. Khi hoàn thành, dự án Eco Smart City ở Thủ Thiêm sẽ trở thành khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại bậc nhất trong khu vực, tạo nên điểm nhấn mới về đô thị ở TPHCM.

Bên cạnh đó, ông Bin cũng quan tâm dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) nối nhà ga Bến Thành với khu đô thị Thủ Thiêm. Không dừng lại ở đó, Tập đoàn hoạt động đa ngành này cũng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực đã kinh doanh như hệ thống siêu thị Lotte Mart, cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria, cụm rạp chiếu phim, sản xuất thực phẩm, bán hàng qua truyền hình (homeshopping),…

Trong khi đó, tập đoàn điện tử Samsung đã tạo dấu ấn lớn trong việc phát triển các khu liên hợp sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị di động ở các tỉnh phía Bắc, và hiện đang đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm điện tử tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) để đưa vào khai thác vào năm tới.

Ông Han Myoung Sup, người vừa được Tập đoàn Samsung cử sang phụ trách tất cả các dự án đầu tư của Samsung ở Việt Nam, cho biết trong giai đoạn đầu dự án có vốn đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ này sẽ sản xuất các dòng sản phẩm ti vi mới nhất rồi đến các sản phẩm điện tử gia dụng cao cấp như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… ứng dụng công nghệ cao.

Điểm nổi bật của các dự án này cũng như nhà máy điện thoại và thiết bị điện tử, theo ông Sup, là sẽ thiết lập những Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao để làm việc tại các trung tâm R&D.

Ngoài lĩnh vực truyền thống là điện tử, Samsung cũng đã lên kế hoạch đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, sân bay,... ở Việt Nam với vốn đầu tư lớn. Chẳng hạn, Samsung C&T đã ký Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh có vốn đầu tư khoảng 2,45 tỉ đô la Mỹ, và bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư một số hạng mục dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Hàng trăm dự án lớn nhỏ khác của doanh nghiệp Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam trong năm qua đã đưa đầu tư nước này vượt qua các nhà đầu tư lớn khác đến từ Nhật, Singapore trở thành nước có vốn FDI lớn nhất ở Việt Nam trong năm 2014 và bốn tháng đầu năm nay.

Việc các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tích cực mở rộng đầu tư đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút hàng trăm công ty vệ tinh từ Hàn Quốc và một số quốc gia khác tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Đơn cử, chỉ riêng hai tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên đã kéo theo gần 100 nhà cung cấp Hàn Quốc đi cùng. Mới đây, tập đoàn ACE Technology (Hàn Quốc) cũng gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất ăngten không dây cho thiết bị điện thoại thông minh tại tỉnh này với số vốn 70 triệu đô la Mỹ...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước đây hầu hết các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như gia công hàng may mặc, giày dép...Thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất hiện nhiều nhóm doanh nghiệp vệ tinh cho các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc tham gia đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử, bất động sản, chế tạo, thương mại. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư nước này tại Việt Nam.

Tiếp tục chọn Việt Nam

Vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi niềm tin của các doanh nghiệp nước này về môi trường đầu tư trong nước ngày càng được cải thiện cũng như cơ hội phát triển thị trường sẽ rộng hơn, đặc biệt là sau khi ký kết FTA giữa hai nước. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố gần đây, đa số các công ty Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài mới nổi trong năm 2015, trong đó Việt Nam là điểm đến được các doanh nghiệp này lựa chọn nhiều nhất.

Cụ thể, 49% trong tổng số gần 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm nay nhờ những cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.

Trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc trông chờ nhiều hơn cả vào cam kết giảm thuế, mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc. Trong khi đó, theo khảo sát này của KITA thì Indonesia và Thái Lan là thị trường ưa thích thứ 2 và thứ 3 với lần lượt 37,4% và 30% số công ty lựa chọn.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có niềm tin lớn vào tiềm năng phát triển thị trường và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ông Yoon Sang Jik, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, trước đó cũng đặc biệt nhấn mạnh, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước được ký kết, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ “ồ ạt” đầu tư sang Việt Nam, khi đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc sẽ khai thác tiềm năng của Việt Nam, tham gia đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, với chiều sâu hơn.

Với việc hai nước vừaị ký kết FTA song phương, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch hai nước sẽ có bước phát triển vượt bậc với khả năng sẽ có một “làn sóng” lớn về đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam ngay từ năm 2015.

Tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm nước này vào cuối năm 2014, nhiều tập đoàn lớn của nước này như Doosan, Posco, Teakwang, Samsung… cũng nêu kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, nhà máy nhiệt điện, các tổ hợp luyện thép, điện tử... Ngoài ra, các doanh nghiệp khác cũng đề xuất nhiều dự án đầu tư mới liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu – phát triển, đào tạo nghề, các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị; phát triển công nghệ 4G và 5G, truyền hình, sản xuất phim và nội dung số…

Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn trước thềm hội nhập đầy đủ vào Công đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, bên cạnh tiến trình thương thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quốc Hùng
Theo TBKTSG

Số lượt đọc: 712
Thông báo