Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) mới đây cho biết lũy kế đến nay Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 35 tỷ USD vào gần 2.500 dự án thuộc 18 ngành khác nhau. Tuy vậy, tỷ trọng rót vốn vào ngành nông nghiệp rất thấp với vỏn vẹn chỉ 2 dự án đã triển khai thành công. Tuy nhiên, tình hình này sẽ có sự thay đổi lớn trong năm nay.
Thực ra, ngay từ giữa năm 2014 các nhà đầu tư Nhật Bản đã có nhiều chuyến thăm, khảo sát tại Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các tỉnh, thành như TPHCM, Đà Lạt, Đồng Nai… Một số tỉnh, thành đã có những thỏa thuận được ký kết với phía Nhật Bản trong lĩnh vực này, như thỏa thuận về hợp tác nông nghiệp giữa TPHCM và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã được ký kết vào cuối tháng 1 vừa qua. Theo thỏa thuận, phía Nhật Bản sẽ khuyến khích các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư vào TPHCM.
Lâu nay, Nhật Bản vốn vẫn có chính sách bảo hộ rất cao đối với nông nghiệp. Vậy tại sao thời điểm này Nhật Bản lại đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam? Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nguyên nhân quan trọng nhất do Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia.
Ông Thiện phân tích thêm, TPP có những yêu cầu về bỏ bảo hộ nông nghiệp, đồng thời khi TPP được ký kết Việt Nam được hưởng lợi về nông nghiệp, chính vì thế Nhật Bản chuyển hướng sang Việt Nam nhằm tận dụng 2 lợi thế: về tự nhiên và về con người. Thực ra, không chỉ riêng phía Nhật Bản được lợi khi tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam mà chúng ta cũng đang rất cần những nguồn vốn đầu tư cũng như công nghệ vào lĩnh vực này.
Tại buổi tiếp Tỉnh trưởng tỉnh Wakayama Yoshinobu Nisaka hồi đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam khuyến khích các DN Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất giống, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Như đã nói, các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ muốn đầu tư mà còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Song không phải DN Việt Nam nào cũng biết đầu mối cũng như những điều kiện cơ bản để có thể đón nhận cơ hội này.
DN phải chủ động
Thực tế hiện nay rất nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu dù sản lượng luôn ở mức cao, bởi công nghệ sản xuất và chế biến lạc hậu, điều kiện bảo quản kém và đặc biệt không đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.
Còn nhớ, trong lần chia sẻ với các DN về cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, đã nhấn mạnh: “Để quả thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản, chúng ta phải mất 4-5 năm để đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe”. Chính vì thế, việc hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến sau thu hoạch sẽ là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản cũng như thị trường của nhiều nước trên thế giới, bởi Nhật Bản là một trong những quốc gia có yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất thế giới.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Minh Trần, cho rằng đây là thời điểm nông nghiệp Việt Nam cần được chuyển giao để ứng dụng các công nghệ cao, giúp việc sản xuất nông nghiệp chuyển qua giai đoạn mới. Lời khuyên dành cho các DN Việt Nam là cần chủ động tìm kiếm đối tác Nhật Bản.
|
Trái thanh long có nhiều cơ hội vào thị trường Nhật Bản.
|
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Từ Minh Thiện cho biết các DN Việt Nam có thể tìm đầu mối ở một vài địa chỉ như khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành… “Để có thể trở thành đối tác của các nhà đầu tư Nhật cần nhiều yêu cầu. Song các DN Việt Nam, nhất là các DNNVV, cần lưu ý vài vấn đề tưởng nhỏ nhưng không nhỏ chút nào như văn hóa kinh doanh của Nhật Bản; khắc phục rào cản ngôn ngữ vì người Nhật ít sử dụng tiếng Anh nên việc sử dụng được tiếng Nhật sẽ là một lợi thế” - ông Thiện chia sẻ.
Ngoài ra, các DN cũng phải có sự chuẩn bị về nguồn vốn, vì đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi có nguồn vốn trung và dài hạn, đây lại là điều nhiều DNNVV còn hạn chế. Có thể thấy, câu chuyện thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều công việc phải làm phía trước để cả 2 bên cùng có lợi.