BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Quốc gia
Diễn đàn kinh tế mùa Xuân: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Thứ Sáu, 24/04/2015 09:28
Diễn đàn kinh tế mùa Xuân: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Trong hai ngày 21 và 22/4, Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2015 với chủ đề "Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam" được tổ chức tại Nghệ An.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An và Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam phối hợp tổ chức 

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết diễn đàn năm nay sẽ tập trung phân tích làm rõ và đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014, những chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt, nguyên nhân và đưa ra những kiến nghị giải pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015.

Diễn đàn còn đưa ra những định hướng cho giai đoạn 2011-2015 làm rõ quan điểm và các bước cải cách cụ thể tiếp theo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đánh giá sâu những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.

Diễn đàn là dịp để các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, quản lý kinh tế phản ánh với Ủy ban Kinh tế, với Quốc hội, với các bộ, ngành về nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên và các cộng sự ở Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định năm 2014, kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố bất chấp nhiều biến động lớn về kinh tế, chính trị toàn cầu.

Tiến sỹ Lê Việt Đức nhận định trong hai năm gần đây, chính sách tiền tệ ở Việt Nam đã được nới lỏng khá thận trọng và ổn định để đảm bảo vừa kiểm soát được lạm phát, mục tiêu hàng đầu của ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Nhờ thực thi chính sách tài chính lành mạnh, chính sách tiền tệ thận trọng và những thuận lợi trong nước và quốc tế nên trong năm 2014, hệ thống tài chính, tiền tệ, giá cả và tỷ giá đã cơ bản ổn định, tạo nền tảng quan trọng để chấm dứt tình trạng 'tăng trưởng nhanh, khủng hoảng lớn' luân phiên kéo dài hàng chục năm qua.

Nhìn bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2014, có thể khẳng định nền kinh tế tiếp tục có những tiến bộ nhất định và quan trọng hơn, đang đi đúng hướng mặc dù bước đi còn chậm và chưa ổn định.

Đối với một nền kinh tế mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo chưa lâu, trong điều kiện cơ cấu kinh tế vĩ mô mất cân đối kéo dài, việc đạt được những thành tựu vĩ mô nêu trên là rất đáng khích lệ.

Báo cáo của tiến sỹ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội Quốc gia, cho biết tăng trưởng kinh tế quý 1/2015 của Việt Nam đạt mức 6,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2014 là 4,96%. Kết quả của quý 1/2015 cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài.

Các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo tiến sỹ Lê Đình Ân, nổi lên là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất lao động thấp, trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Tiến sỹ Lê Đình Ân còn chỉ ra rằng nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững và có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp nhiều khó khăn thách thức vẫn tồn tại.

Các đại biểu chỉ rõ, bối cảnh phát triển kinh tế năm 2015 cũng như mọi năm đều sẽ có những mặt thuận và những mặt không thuận, nhưng dự báo mặt thuận là cơ bản.

Thực trạng này cho thấy Việt Nam cần kiên trì con đường tăng trưởng thận trọng, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu lại các khoản chi bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh tế, hoàn thiện cơ chế quản lý công cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, như ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng suất lao động đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường…

Theo tiến sỹ Lê Đình Ân, trước mắt cần xử lý tốt những nội dung, như theo dõi sát sao diễn biến của giá USD trên thị trường quốc tế, có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro tập trung vào phát triển nông nghiệp nhằm đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mạnh dạn đổi mới thể chế quản lý kinh tế./.
Số lượt đọc: 498
Thông báo