BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Quốc gia
Cơ hội nào từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN?
Thứ Ba, 05/05/2015 09:52
Cơ hội nào từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN?

Nhằm tạo dựng một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, AEC sẽ ưu tiên 6 yếu tố chủ chốt.

Đó là: Chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ; phát triển cơ sở hạ tầng; hệ thống thuế và thương mại điện tử; từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan; chấp thuận các tiêu chuẩn và kinh nghiệm sản xuất cũng như phân phối quốc tế tối ưu.

AEC cũng xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, gồm: Hàng nông sản; ô tô; điện tử; nghề cá; sản phẩm từ cao su; dệt may; sản phẩm từ gỗ; vận tải hàng không; thương mại điện tử; chăm sóc sức khoẻ; du lịch; logistics. 

AEC sẽ hỗ trợ sự phát triển của các DN vừa và nhỏ bằng cách dành lợi thế trong tiếp cận thông tin, tài chính, kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ.

Những thủ tục hải quan và thương mại được tiêu chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch.

Cùng với đó, thuận lợi chung cho các thành viên khi AEC có hiệu lực là sự tự do di chuyển lao động có tay nghề qua biên giới các nước ASEAN, nhất là trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành Du lịch.

AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tiếp cận thị trường 600 triệu dân, tổng GDP nội khối 2.300 tỷ USD và cả thị trường của một số nước khác có các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ của ASEAN, như Austrlia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi hóa. Ví dụ, trong ASEAN có 'Chứng nhận xuất xứ hàng hóa', theo đó, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN. Vì vậy, sản phẩm được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, nhất là thương mại liên quan đến hội nhập kinh tế.

Với Việt Nam, khi AEC thành lập, nền kinh tế nước ta có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cắt giảm thuế quan cũng là thuận lợi giúp DN Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0% - 5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp; nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Môi trường AEC sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thêm nữa, với việc Hiệp định khung e-ASEAN đã được ký vào tháng 11/2000 (Hiệp định khuyến khích sự tăng trưởng của thương mại điện tử, tự do hóa thương mại trong các sản phẩm CNTT, dịch vụ, đầu tư và phát triển một xã hội điện tử trong ASEAN, thúc đẩy xây dựng năng lực để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong từng nước thành viên) sẽ thêm cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT vào nền hành chính điện tử.

Ý tưởng về AEC nằm trong 'Tầm nhìn ASEAN 2020' được thông qua vào ngày kỷ niệm thành lập ASEAN lần thứ 30 (1997) với tư cách 1 trong 3 trụ cột của cộng đồng (Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội).

Tại Hội nghị cấp cao 2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký 'Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II' với sự nhất trí thành lập AEC vào năm 2020. Nhưng đến năm 2007, tại Cebu (Philippines), các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất đẩy nhanh việc thành lập AEC vào năm 2015.

Cũng tại kỳ họp này, ASEAN đã đưa ra kế hoạch chi tiết về AEC và 2 năm sau đó (năm 2009), kế hoạch này trở thành 'Lộ trình tổng thể xây dựng AEC', đồng thời nhất trí sử dụng 'Biểu đánh giá thực hiện AEC' (AEC Scorecard) để theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện lộ trình của từng thành viên.

Số lượt đọc: 502
Thông báo