BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình hợp tác đầu tư của EU tại Việt Nam
Thứ Bảy, 07/08/2021 05:39

1. ĐTNN của EU tại Việt Nam đến 20/8/2021

Tính đến 20/8/2021, EU có 2.240 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 22,25 tỷ USD, chiếm 5,55% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân của EU tại Việt Nam là 9,9 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,7 triệu USD/dự án.

Theo lĩnh vực đầu tư: Các dự án tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 608 dự án, vốn đăng ký 8,43 tỷ USD (chiếm 37,92% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là lĩnh vực sản xuất phân phối điện với 28 dự án, vốn đăng ký 4,8 tỷ USD (chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư), lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với số vốn là 1,8 tỷ USD (chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư) còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo địa bàn đầu tư: EU đã có đầu tư tại 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Bà Rịa – Vũng Tàu với 33 dự án, tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD (chiếm 16,88% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 1.022 dự án, tổng vốn đăng ký 3,41 tỷ USD (chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư), Hà Nội đứng thứ ba với 470 dự án, tổng vốn đăng ký 3,24 tỷ USD (chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư), còn lại là các địa phương khác.

Theo quốc gia đầu tư: Trong khối liên minh Châu Âu, Hà Lan là quốc gia đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam với 381 dự án, vốn đăng ký là 10,35 tỷ USD (chiếm 46,5% vốn đầu tư), tiếp theo là Pháp với 632 dự án, tổng vốn đăng ký 3,62 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư), CHLB Đức đứng thứ ba với 405 dự án, tổng vốn đăng ký 2,25 tỷ USD (chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư), còn lại là các quốc gia khác.

Tính riêng 8 tháng đầu năm 2021, EU đầu tư tại Việt Nam với 109 dự án cấp mới, 33 lượt dự án tăng vốn, 233 lượt góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn đầu tư đăng ký 671,67 triệu USD. Trong đó Hà Lan có vốn đầu tư lớn nhất với số vốn là 480 triệu USD, tiếp theo là CHLB Đức và Đan Mạch với số vốn đầu tư lần lượt là 67,3 triệu USD và 41,64 triệu USD.

2. Giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư

-  Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư  nước ngoài và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất.

-  Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước EU để các nước trong khối EU hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam và nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam đồng thời quảng bá môi trường đầu tư đang ngày một được cải thiện tại Việt Nam.

          - Về phía Việt Nam, sẽ nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của EU đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc đang đàm phán, chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép.

  - Tổ chức các buổi hội thảo nhằm khai thác, tận dụng tốt các cơ hội nhằm giúp các cơ quan hữu quan Việt Nam và các nước trong khối liên minh Châu Âu trao đổi thông tin một cách toàn diện, đa chiều, giúp doanh nghiệp EU có cơ hội hiểu rõ hơn về thông tin thị trường, cơ chế chính sách thương mại và đầu tư, các quy định, cách tiếp cận thị trường và kết nối đầu tư, thúc đẩy đầu tư hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Số lượt đọc: 689
Thông báo